MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường lên chùa Đồng, Yên Tử. Ảnh: Nguyễn Hùng

Thêm tuyến cáp treo lên Yên Tử, nỗi lo đỉnh thiêng quá tải

Nguyễn Hùng LDO | 28/01/2019 10:35

Dự kiến, từ mồng 3 Tết Nguyên đán 2019, tuyến cáp treo từ Khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử của tỉnh Bắc Giang lên tới đỉnh núi Yên Tử sẽ chính thức được đưa vào khai thác thương mại. Từ vị trí này, du khách, tăng ni, phật tử muốn lên chùa Đồng thuộc Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử của Quảng Ninh phải cuốc bộ khoảng 700m, trong đó có 410m xuyên qua rừng trúc vừa được hai tỉnh và Bộ VHTTDL thống nhất kết nối.

Hệ thống cáp treo Tây Yên Tử hiện đang được chạy thử. Ảnh: Nguyễn Hùng

Khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, trên 300 tỉ đồng, rộng khoảng 13,8ha ở xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động. Dự án gồm 4 chùa mới: Chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng và hệ thống cáp treo, trong đó ga cuối nằm trên đỉnh núi Yên Tử, cách chùa Đồng khoảng 700m.

Một nhà ga cáp treo Tây Yên Tử. Ảnh: Nguyễn Hùng

Được khởi công xây dựng vào tháng 4.2017, đến đầu năm 2018, Lễ hội xuân Tây Yên Tử lần đầu tiên được tổ chức, từ 11-12 tháng Giêng – sau lễ khai hội Xuân Yên Tử của Quảng Ninh một ngày. Tuy nhiên, thời điểm đó chưa có cáp treo, nên du khách muốn sang đỉnh thiêng Yên Tử với chùa Đồng phải leo bộ.

Dự kiến, dịp Tết này, hệ thống cáp treo chạy từ chùa Hạ lên chùa Thượng, Tây Yên Tử với chiều dài khoảng 2km sẽ được đưa vào sử dụng. Từ ga cuối, muốn đi sang Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử của Quảng Ninh, du khách, tăng ni, phật tử chỉ phải đi qua chặng đường khoảng 410m.

Tuyến đường đi bộ lên chùa Đồng qua rừng trúc tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử của Quảng Ninh. Đoạn đường rừng kết nối giữa Bắc Giang và Quảng Ninh trên Yên Tử cũng sẽ được nâng cấp theo tuyến đường này. Ảnh: Nguyễn Hùng

Việc đấu nối giữa giữa hai khu du lịch trên gần đây mới được thống nhất giữa tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh, bằng con đường xuyên rừng trúc 410m trên. Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu, việc mở đường kết nối tuyệt đối không được chặt phá cây, không làm thay đổi địa hình hiện trạng và ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Theo ông Lê Tiến Dũng – Trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử – việc mở đường không khó, bởi chỉ cần nâng cấp tuyến đường mòn xuyên rừng trúc lâu nay của người dân hai bên.

Đỉnh thiêng Yên Tử với chùa Đồng luôn kẹt cứng vào mùa lễ hội. Ảnh: Nguyễn Hùng

Điều dư luận quan tâm là sự phối hợp giữa hai bên trong việc điều phối khách, nhất là vào dịp cao điểm, bởi vào mùa lễ hội, chỉ riêng lượng khách từ phía Uông Bí đi lên cũng đã khiến Yên Tử có thời điểm quá tải. Đặc biệt, nếu cả 3 tuyến cáp treo (2 tuyến của Cty CP Tùng Lâm bên Quảng Ninh) cùng hoạt động hết công suất sẽ dẫn tới kẹt cứng trên đỉnh Yên Tử. Trong khi đó, chùa Đồng nằm ở vị trí nhỏ hẹp, xung quanh là vực sâu, nếu gặp những dòng khách từ hai bên đổ tới, nguy cơ mất an toàn là rất cao.

Đường lên chùa Đồng nhỏ hẹp, gập ghềnh, nhiều vực sâu. Ảnh: Nguyễn Hùng

“Hai bên đã xây dựng lộ trình tham quan của du khách và sẽ phải thường xuyên liên lạc với nhau vào mùa cao điểm để điều phối khách” – ông Dũng cho biết.

Theo bà Nguyễn Kim Ngân – Giám đốc điều hành Cty CP Du lịch dịch vụ Tây Yên Tử – hệ thống cáp treo Tây Yên Tử sẽ được đưa vào khai thác từ mồng 3 Tết, trước Lễ hội Xuân Tây Yên Tử, với giá vé khứ hồi 260.000 đồng/khách. Tuy nhiên, khi sang Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử của Quảng Ninh, du khách vẫn phải mua vé tham quan, với giá vé từ 20.000 – 40.000 đồng/người/lượt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn