MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghề lái xe khách đường dài luôn chứa đựng nhiều vất vả và hiểm nguy. Ảnh: Khánh Linh

Theo chân tài xế xe khách đường dài trên cung đường Tây Bắc

Khánh Linh LDO | 13/09/2022 14:28

Trên những cung đường Tây Bắc quanh có đèo dốc, mỗi ngày hàng trăm lượt tài xế xe khách đường dài trắng đêm để đưa hành khách đi đến nơi, về đến chốn. 

Quanh co cung đường Tây Bắc

Những ngày giữa tháng 9.2022, trong một chuyến công tác lên vùng Tây Bắc, tôi có dịp được đi trên chuyến xe đường dài xuất phát từ TP.Thanh Hóa và điểm dừng là xứ sở hoa ban Điện Biên. Di chuyển trên con đường đèo dốc, ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, những câu chuyện nghề, chuyện đời được những người tài xế dần tiết lộ.

"Bà con ổn định vị trí, ta khởi hành nhé!".

16h30, sau khi sắp xếp ghế nằm, đồ đạc cho khách và đi một vòng kiểm tra kỹ thuật, anh Dương Bá Ngọc (SN 1981 - tài xế xe khách chuyên tuyến Thanh Hóa - Điện Biên) ngồi lên vị trí, nổ máy xe và bắt đầu hành trình của mình. Trên chuyến xe lần này, hỗ trợ anh Ngọc còn có anh Giang và anh Thọ phụ xe. 

Phụ xe hỗ trợ khách lấy, cất đồ ở những điểm đón trả khách. 

Chiếc xe giường nằm từ từ lăn bánh, đi hết địa phận Thanh Hóa, vào Hòa Bình, trời đã bắt đầu nhá nhem tối, những cung đường bằng phẳng cũng dần lùi xa, thay vào đó là những đoạn đường đèo dốc hiểm trở như gài bẫy người cầm lái của núi rừng Tây Bắc.

Anh Giang tâm sự: "Mình đã gắn bó với nghề này hơn 15 năm, còn chạy cung đường Tây Bắc thì được gần 5 năm rồi. Cuộc sống rong ruổi trên xe, lấy xe là nhà". 

Trời càng về khuya, màn đêm tĩnh mịch, lượng người di chuyển trên tuyến Quốc lộ 6 ít dần, chỉ còn những chiếc xe khách đường dài và xe tải lớn chở hàng hóa, nông sản "đua" nhau trên đường. 

 Chè đặc được pha và đựng trong ấm giữ nhiệt, là một trong những "vật bất li thân" của tài xế xe đường dài giúp giữ tỉnh táo.

"Hôm nay, em đi trời còn quang mây tạnh gió đấy! Chứ giờ bắt đầu vào mùa sương mù, hôm nào mưa phùn đi đến đèo đá trắng (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) là sương mù kín đường. Mùa mù bắt đầu tháng 10 đến tháng 3 năm sau, có những ngày sương mù đặc quánh, đi phải "bò" từng tí một.

Rồi những con đèo con đèo hiểm trở, một bên là núi cao, một bên vực sâu như đèo Thung Khe (Hòa Bình), đèo Chiềng Đông (Sơn La), đèo Pha Đin (Điện Biên)" - anh Giang bộc bạch.

Dù đã có hơn chục năm kinh nghiệm lái xe đường trường và gần 5 năm gắn bó với cung đường Tây Bắc, từng đoạn đèo dốc nguy hiểm, trơn trượt anh Ngọc đều nắm trong lòng bàn tay, nhưng nét mặt căng thẳng vẫn hiện rõ mỗi khi đi qua những đoạn nguy hiểm. Cứ chốc lát, người tài xế này lại nhấp ngụm nước chè, hút điếu thuốc để giữ tỉnh táo.

Gian nan nghề tài xế đường trường

Ngồi bên cạnh giúp khách cất đồ, sắp xếp ghế ngồi và thi thoảng ra hiệu cảnh báo cho lái xe ở những huống nguy hiểm, anh Thọ (phụ xe) tâm sự: "Tài xế xe đường dài hầu hết đồng hồ sinh học phải thay đổi, không có khái niệm ngày đêm. Ai cũng vậy, đều phải luyện tập để chống chọi với cơn buồn ngủ, bắt buộc phải tỉnh táo vì sau tay lái của mình là hàng chục hành khách".

 Những cung đường Tây Bắc đèo dốc quanh co, một bên là núi cao, một  bên vực sâu. 

Cũng theo anh Thọ, thậm chí, để giữ tỉnh táo, không ít lái xe còn sử  dụng chất cấm heroin. 

"Nhưng với công ty tôi, việc dùng chất cấm là tuyệt đối cấm kị" - người phụ xe khẳng định.

Qua trò chuyện được biết, trên quãng đường hơn 500km với 13 tiếng đồng hồ từ Thanh Hóa lên Điện Biên, sẽ có 2 tài xế đổi ca cho nhau, điểm giao ca thường sẽ diễn ra ở trạm dừng nghỉ tại Điện Biên. 

"Ngay cả thời điểm thay ca, được ngủ thì cũng không chợp mắt được vì cơ thể đã bị mấy chất kích thích như cà phê, thuốc lá, nước tăng lực làm chủ" - anh Thọ bộc bạch. 

Tâm sự về chuyện đời, anh Thọ nói: "Nghề tài xế vất vả lắm! Về đến nhà vài tiếng lại phải đi. Một ngày đi chiều lên, một ngày chiều về, những ngày trong tuần lúc mình về đến nhà là vợ cũng đã đi làm, chỉ có đến cuối tuần cả nhà mới được gặp nhau".

 Dẫu có nhiều vất vả, gian nan nhưng họ vẫn luôn cố gắng hoàn thành công việc, đảm bảo an toàn cho hành khách. 

"Khách khứa thì bữa đực bữa cái, có những hôm lác đác 7-8 người, hôm nào đông thì được khoảng 20 người. Chi phí cho mỗi chuyến xe 2 lượt đi, về là 15 triệu, hôm nào ít khách thì lỗ. Có thời điểm chạy để giữ mối khách thôi chứ tính lời lãi không được là bao nhiêu.

Vất vả lắm nhưng vì miếng cơm manh áo đành phải chấp nhận thôi" - anh Thọ bộc bạch.

Trời vừa sáng tỏ cũng là lúc chiếc xe giường nằm cập bến xe trung tâm Điện Biên, trong những gương mặt uể oải vì giấc ngủ không trọn vẹn vẫn ánh lên niềm vui vì lại có thêm một chuyến xe nữa cập bến an toàn. 

Gian nan và đầy cơ cực là những gì mà người lái xe đường dài phải chấp nhận. Khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn luôn nỗ lực, cố gắng vì sự an toàn của hành khách.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn