MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tường nhà nứt, người dân phải dùng tôn quây phía bên ngoài để chống thấm. Ảnh: Hưng Thơ.

Thi công dự án làm nứt nhà dân, gần 5 năm vẫn chưa khắc phục

HƯNG THƠ LDO | 01/09/2023 07:54

Nhiều căn nhà của người dân bị nứt, ảnh hưởng trong quá trình thi công cầu sông Hiếu (thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) và đường dẫn 2 đầu cầu. Nhưng đã gần 5 năm trôi qua, cơ quan chức năng vẫn chưa đền bù, hỗ trợ để người dân khắc phục.

Nhà nứt vì thi công dự án

Từ năm 2012 công trình cầu sông Hiếu và đường hai đầu cầu được triển khai thi công, đến năm 2018 thì cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng. Quá trình thi công, nhiều ngôi nhà của các hộ dân ở hai bên đường gom Bắc cầu sông Hiếu xuất hiện vết rạn nứt.

Gia đình ông Hồ Xuân Lợi và chị Hồ Thị Hạnh (trú tại khu phố 4, phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà) có ngôi nhà xây dựng vào năm 2014. Ở trong căn nhà mới được mấy năm, thì xuất hiện nhiều vết nứt tại nhiều vị trí.

Thời điểm nhà bị nứt, cầu sông Hiếu và đường hai đầu cầu đang được thi công, với nhiều xe tải trọng lớn cùng máy móc hoạt động. Xác định nguyên nhân nứt nhà, là do việc thi công công trình, nên gia đình anh Lợi đã báo với địa phương. Sau đó, UBND phường Đông Thanh cùng các đơn vị nhiều lần đến kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng để hỗ trợ, nhưng đã mấy năm trôi qua, gia đình anh Lợi vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Tường nhà nứt thành đường, khiến người dân bất an. Ảnh: Hưng Thơ.

Trong lúc, nhà anh Lợi có con bị khuyết tật nặng, hằng ngày hai vợ chồng đi làm phải để con ở nhà, nên rất lo lắng. “Chúng tôi mong sớm nhận được tiền đền bù để sửa lại nhà, chứ nứt với rạn khắp nơi thế này, bỏ con ở nhà một mình rất nguy hiểm” – chị Hồ Thị Hạnh, vợ anh Lợi cho biết.

Ông Võ Ngọc Nam – Chủ tịch UBND phường Đông Thanh cho biết, tình trạng rạn nứt nhà do ảnh hưởng từ việc thi công công trình cầu sông Hiếu và đường dẫn 2 đầu cầu xảy ra ở 15 hộ dân. Gần đây nhất, vào ngày 10.7.2023, UBND phường Đông Thanh đã có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị - kiến nghị sớm thực hiện việc chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho người dân có nhà bị nứt do chấn động rung lắc trong quá trình xây dựng công trình cầu sông Hiếu theo quy định. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Chưa biết lấy kinh phí ở đâu để đền bù?

Được biết, cầu sông Hiếu và đường 2 đầu cầu có tổng mức đầu tư hơn 588,7 tỉ đồng với tổng chiều dài 5,94 km. Hiện, tuyến chính đoạn từ Quốc lộ 9 đến giao đường Quốc lộ 9 tuyến tránh phía Bắc đã hoàn thành và đưa vào khai thác với chiều dài 4,68 km. Riêng tuyến đường hai bên mố cầu ở phía Bắc còn dang dở vì các hộ gia đình có nhà bị nứt cản trở và yêu cầu bồi thường, hỗ trợ trước khi tiếp tục thi công.

Dự án trên trước đây do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư, sau khi sáp nhập các ban, dự án được chuyển chủ đầu tư sang Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị.

Ông Võ Phong Luân - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị cho biết, khi nhận kiến nghị của các hộ dân, chủ đầu tư của dự án đã thuê đơn vị tư vấn tổ chức giám định, đánh giá mức độ ảnh hưởng. Kết quả, đơn vị tư vấn đã lập hồ sơ dự toán cho 15 hộ bị ảnh hưởng với kinh phí hỗ trợ khoảng 284 triệu đồng.

Vì chưa đền bù, hỗ trợ việc rạn nứt nhà của người dân, nên đường gom bên cầu chưa được thi công vì người dân ngăn cản. Ảnh: Hưng Thơ.

Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, dù chủ đầu tư đã gửi nhiều văn bản cho UBND tỉnh Quảng Trị, tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan, nhưng chưa tìm được kinh phí để đền bù, hỗ trợ cho người dân.

Theo ông Võ Phong Luân, do khó khăn về nguồn vốn nên công trình bị kéo dài. Trong khi vốn chỉ ưu tiên để trả nợ đọng, vì vậy không gia hạn được nên đã hết thời gian bảo hiểm gói thầu, khiến kinh phí hỗ trợ, đền bù cho người dân thiếu hụt. Bên cạnh đó, 15 hộ dân có nhà bị nứt do ảnh hưởng quá trình thi công cầu nằm ngoài phạm vi các hạng mục thuộc dự án cũng như diện tích thu hồi đất phục vụ công trình.

“Chúng tôi mong muốn các đơn vị liên quan tìm hướng hỗ trợ kinh phí. Một khi có kinh phí đền bù cho bà con, thì mới tiếp tục thi công tuyến đường gom nối từ đường đầu cầu sông Hiếu xuống đường Hoàng Diệu được” - ông Luân, nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn