MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người tỏ ra bất ngờ trước thông tin Hà Nội có thể thí điểm cấm xe máy trên 2 tuyến đường Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi. Ảnh: Thành Trung

Thí điểm cấm xe máy: Dân tuyến phố Lê Văn Lương- Nguyễn Trãi nói gì?

Thành Trung LDO | 12/03/2019 17:16
Sáng 12.3, PV Lao Động đã làm một khảo sát nhanh với người dân sống dọc 2 tuyến phố Hà Nội có thể thí điểm cấm xe máy là Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương.

Không đi xe máy thì đi bằng gì?

Nói về việc có thể thí điểm cấm xe máy trên tuyến đường Nguyễn Trãi, bà Nguyễn Thị Duyên - một tiểu thương bán hàng tạp hoá tại chợ Thượng Đình (số 132 Nguyễn Trãi) bày tỏ sự bức xúc.

Chị Nguyễn Thị Duyên (48 tuổi, tiểu thương chợ Thượng Đình).

Bà Duyên cho biết nhà mình ở phường Thượng Đình, có 3 mẹ con với 2 chiếc xe máy sử dụng hằng ngày. Con gái đi học, bà đi bán hàng ở chợ và bắt buộc phải đi trên tuyến phố Nguyễn Trãi.

"Giờ cấm xe máy thì chúng tôi đi bằng gì? Chắc chắn không thể đem theo chục thùng mì tôm, nước mắm lên xe buýt hoặc lên tàu điện được, thuê ôtô cũng không ổn bởi hàng ít, vì tôi buôn bán nhỏ", bà Duyên băn khoăn.

Trước tình huống "nếu TP thực sự cấm xe máy", tiểu thương này nói sẽ phản đối vì tuyến đường Nguyễn Trãi "rất rộng rãi, các xe vẫn đi thoải mái, vì sao phải cấm".

 Ông Ngô Huy Bình đỗ chiếc xe máy với biển "xe ôm" ngay cạnh bến xe buýt gần cổng trường ĐH KHTN Hà Nội từ sáng sớm.

Từ sáng sớm, ông Ngô Huy Bình (52 tuổi, quê Bắc Ninh, hiện trú tại phường Hạ Đình), đã đỗ xe gần bến xe buýt cạnh trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội đứng chờ khách.

Hành nghề xe ôm trên tuyến đường Nguyễn Trãi này đã 15 năm, ông Bình rất bất ngờ khi nghe tin tuyến đường mưu sinh quen thuộc này "có thể sẽ cấm xe máy".

"Nếu cấm thì vẫn phải chấp hành, nhưng tôi nghĩ khó mà làm được vì giao thông công cộng vẫn còn chưa đáp ứng được", ông Bình nói.

Chuyển đổi phương tiện là xu hướng tất yếu

Nhà ở KĐT Linh Đàm nhưng có cửa hàng kinh doanh lốp cao su tại số 225 Nguyễn Trãi, anh Đặng Văn Huy, 35 tuổi cho rằng đường Nguyễn Trãi thoáng, chỉ ùn tại một vài vị trí vào giờ cao điểm.

Anh Đặng Văn Huy, chủ tiệm bán lốp cao su trên mặt đường Nguyễn Trãi.

"Hàng ngày, tôi vẫn dùng xe máy vì xe máy thuận tiện, nhưng nếu là chủ trương của TP thì phải chấp nhận thôi", anh Huy bày tỏ.

Chủ cửa hàng lốp này cho biết, nếu có điều kiện sẽ chuyển đổi sang phương tiện khác như ôtô con, "vì đó cũng là xu thế tất yếu".

Đứng chờ xe buýt tại điểm dừng trước số nhà 185A Nguyễn Trãi, ông Trần Quyết Chiến (75 tuổi, trú tại P. Hạ Đình) tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin TP có thể thí điểm cấm xe máy trên tuyến đường Nguyễn Trãi vốn rất quen thuộc với ông.

Nhà chỉ còn 2 vợ chồng già đều đã về hưu, ông Chiến và vợ không có xe máy mà dùng xe buýt là phương tiện di chuyển chính.

Ông Trần Quyết Chiến đứng chờ xe buýt trước số nhà 185A Nguyễn Trãi".

Tuy nhiên, ông Chiến cho rằng, nếu cấm xe máy trên đường Nguyễn Trãi sẽ gây khó khăn cho người lao động và học sinh, sinh viên các trường trên tuyến đường này.

'Đã nhiều năm đi trên tuyến đường này, tôi thấy đường có lượng xe đông lên nhưng không tắc, và hiện xe buýt và tàu điện đường sắt trên cao cũng chưa đáp ứng được", ông Chiến nói.

Nói với PV Lao Động trước khi lên xe buýt số 44, ông Chiến bày tỏ sẽ ủng hộ nếu việc cấm xe máy để đảm bảo an toàn giao thông, tránh tắc đường.

Tài xế xe ôm Nguyễn Viết Thắng. Ảnh: Thành Trung

Mưu sinh bằng nghề xe ôm trên tuyến đường Lê Văn Lương đã nhiều năm, ông Nguyễn Viết Thắng (49 tuổi, trú tại phường Thanh Xuân Trung) cho biết ông ủng hộ việc cấm xe máy trên tuyến đường này, trong trường hợp có các phương tiện khác thay thế. Ông cũng sẵn sàng chuyển sang tuyến đường khác để hành nghề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn