MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu về hình thức thi trên máy tính để phù hợp điều kiện thực tế của VN (ảnh minh hoạ). Ảnh: HUYÊN NGUYỄN

Thi THPT trên máy tính: Vẫn có những bất cập phải giải quyết

NHÓM PV LDO | 28/09/2019 06:59

Thi trên máy tính, thi nhiều đợt trong năm là điểm mới trong phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sau năm 2020 được Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Chính phủ. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, thi trên máy tính cũng sẽ có những mặt ưu, nhược điểm riêng cần giải quyết, quan trọng nhất vẫn là ngân hàng đề thi.

Đưa công nghệ vào kỳ thi vẫn sẽ có bất công

Một số điều chỉnh mới đáng chú ý trong phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sau năm 2020 là sẽ tổ chức cho thí sinh thi trên máy tính nhiều đợt trong năm theo lộ trình; bài thi tổ hợp chỉ còn một đầu điểm thay vì bốn đầu điểm như hiện nay.

Khẳng định việc đưa công nghệ vào kỳ thi là cần thiết và không thể chậm trễ, GS-TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam - cho rằng, cho dù kỳ thi những năm trước đã cơ bản ổn định có kết quả rồi nhưng nếu từ năm 2021 vẫn thi như hiện nay sẽ lạc hậu: “Giáo dục số hóa, mang tính mở, hoàn toàn có thể thi theo hình thức chắc chắn hơn, thi xong đã chấm xong rồi. Một hệ thống giáo dục kỹ thuật số, nhà trường thông minh không chấp nhận cách thi thiếu sự hỗ trợ của công nghệ”.

Khẳng định sự ủng hộ đối với việc áp dụng hình thức thi trên máy tính, PGS-TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - cho rằng, hình thức thi trên máy tính cần thí điểm ở một số nơi đủ điều kiện, học sinh đã được làm quen, sau đó tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm, trước khi mở rộng. “Nếu đến năm 2025, chúng ta cơ bản áp dụng thi trên máy tính thì đó là thành công lớn mà nhiều nước chưa làm được” - ông Sơn cho hay.

Ở góc nhìn khác, PGS-TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - nhận định: “Phương án thi nào cũng có ưu điểm, nhược điểm. Mấy năm nay chúng ta áp dụng công nghệ rất nhiều nhưng không nên duy ý chí bởi có những vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn. Nếu áp dụng hình thức thi trên máy tính thì chúng ta phải tính đến yếu tố này và chấp nhận sẽ vẫn có một bộ phận học sinh làm bài thi trên giấy. Mục tiêu lớn nhất của kỳ thi là tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, phụ huynh”.

Ông Dũng phân tích sâu: Ưu điểm của thi trên máy tính là có kết quả tức thì, có thể tổ chức thi nhiều lần trong năm, không phải tổ chức hội đồng thi rườm rà, phức tạp, có thể giảm tiêu cực trong thi cử. Tuy nhiên, việc này cũng tạo nên những lo ngại như cơ sở vật chất không đồng đều, trình độ không tương xứng ở các địa phương.

“Thí sinh ở thành phố được sử dụng máy tính nhiều nên thao tác thành thạo hơn, sẽ có thời gian làm bài nhiều hơn so với các em ở vùng nông thôn, miền núi khó khăn. Cùng với đó, số lượng máy tính khó đáp ứng nhu cầu thực tế, nếu để công ty bên ngoài hỗ trợ thì không khả thi” - ông Dũng nêu những khó khăn, thách thức phải giải quyết.

Còn GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - nhận định thêm cần có lộ trình cho quá trình triển khai. Việc đưa công nghệ vào thi cử là đương nhiên nhưng ở những nơi phên dậu Tổ quốc thì chưa áp dụng ngay được. Chúng ta phải thí điểm và đánh giá nghiêm túc phương thức này để triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước.

Quan trọng nhất vẫn là ngân hàng đề thi

Liên quan đến việc đổi mới thi, đánh giá năng lực, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới - nhấn mạnh, chương trình chuyển cách dạy từ truyền đạt kiến thức sang phát triển năng lực học sinh. Vì vậy, việc hoàn thiện kỳ thi THPT hết sức cần thiết, đặc biệt là khâu ra đề thi, ngân hàng câu hỏi.

Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - nhận định: “Dự thảo phương án đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, giảm áp lực cho xã hội rất lớn cả về tư tưởng, kinh tế; đảm bảo khách quan, học sinh học toàn diện, không học tủ học lệch. Tuy nhiên để triển khai cần chuẩn bị về địa điểm thi, hạ tầng, trang thiết bị. Cùng với đó là xây dựng ngân hàng đề - đây là việc khó, cần huy động trí tuệ rộng rãi của các chuyên gia, giáo viên, ngay cả học sinh vừa tốt nghiệp, học sinh giỏi đã qua các kỳ thi, không nên chỉ gói gọn trong các thầy cô” - bà Doan chia sẻ.

Không máy móc nào thay thế được con người

“Không máy móc nào thay thế được con người, máy tính tốt, phần mềm tốt nhưng đội ngũ cán bộ không được chuẩn bị tốt, tâm thế tốt, kỹ thuật tốt thì vẫn có thể dẫn đến những sai sót, sự cố đáng tiếc. Năng lực tổ chức thi của các cán bộ là điều chúng tôi đặc biệt quan tâm và tới đây sẽ tăng cường chất lượng đội ngũ khảo thí” - Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh đến yếu tố con người trong thực hiện.

Trong tháng 7.2020, phải công bố phương án thi năm 2021

Về phương án thi sau năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GDĐT phải chuẩn bị kỹ phương án, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.

Những dự định về kỳ thi cần đăng tải trên báo chí để người dân có căn cứ góp ý. Đồng thời, Bộ GDĐT phải khẩn trương chuẩn bị tích cực ngân hàng câu hỏi đề thi. Mặt khác, phải có kế hoạch tổ chức thi trên máy tính mà không nhất thiết phải có ngân hàng khổng lồ ngay từ đầu.

Trong tháng 7.2020, Bộ GDĐT phải phấn đấu công bố phương án thi năm 2021.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn