MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cơ sở trên địa bàn Hà Nội sản xuất nước đóng chai trong điều kiện vệ sinh rất kém. Ảnh: dân sinh

Thị trường nước đóng chai loạn cả về giá và chất lượng

Cường Ngô - Thuỳ Linh LDO | 12/06/2020 13:33
Chất lượng nước đóng chai, đóng bình lâu nay vốn đã bát nháo và khó kiểm soát. Sau vụ “hô biến” nước mương thành nước “tinh khiết” ở Hải Phòng mới đây, người tiêu dùng lại càng lo lắng về các loại nước đóng chai này. Đặc biệt khi thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng loại nước này tăng cao tại các trường học thì lại thêm nỗi lo tăng giá. 

Cơ quan, doanh nghiệp, trường học là nơi tiêu thụ

Liên quan vụ việc cơ sở sản xuất nước đóng bình Trường Thành (xã Trường Thành, huyện An Lão, Hải Phòng) sử dụng nguồn nước mương thải, trao đổi với phóng viên Lao Động, lãnh đạo Cục quản lý thị trường Hải Phòng cho biết, theo giấy phép kinh doanh, chủ cơ sở sản xuất nước lọc tinh khiết mang nhãn hiệu Vimass thuộc Công ty TNHH Phúc Hà, do ông Nguyễn Ngọc Thiện làm chủ.

“Cơ sở này hoạt động sản xuất nước đóng bình từ năm 2008. Qua kiểm tra thì giấy đủ điều kiện hoạt động cũng đã hết hạn từ năm 2018, đến nay chưa được cấp lại. Trước đây nguồn nước của cơ sở này lấy từ giếng nước tại chân núi Voi, trong khuôn viên một đơn vị quân đội gần đó. Tuy nhiên, chủ cơ sở thừa nhận, thời gian gần đây, nguồn nước đầu vào bị gián đoạn, máy móc bị hỏng nên chủ cơ sở đã lấy nước từ con mương phía sau xưởng để sản xuất. Qua kiểm tra cho thấy cơ sở này cũng có trang bị quy trình lọc.

Tuy nhiên, chúng tôi xác định nguồn nước đầu vào không đảm bảo, tuy nhiên kết quả chất lượng đầu ra như thế nào phải đợi kiểm nghiệm theo quy định, khoảng 5-7 ngày sẽ có kết quả. Khi đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành xử lý theo quy định”, một lãnh đạo Đội số 1 - Cục Quản lý thị trường Hải Phòng thông tin.

Đoàn kiểm tra cũng đã yêu cầu Công ty TNHH Phúc Hà tiếp tục cung cấp các giấy tờ, tài liệu liên quan đến hoạt động sản xuất nước uống tại cơ sở trên. Đồng thời, yêu cầu cơ sở tạm dừng lưu thông các sản phẩm nước đóng bình đã hoàn thiện và dừng hoạt động bơm nước từ mương để sản xuất cho đến khi có kết luận cuối cùng của đoàn kiểm tra.

Hộ dân tự sản xuất nước đóng bình ở... trong làng

Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Trần Ngọc Tụ - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội - cho biết: Việc tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất nước đóng bình là hoạt động thường niên của chúng tôi, đồng thời có báo cáo trong kết quả chung hàng quý về Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế. 

Theo ông Trần Ngọc Tụ, khó khăn hiện nay trong vấn đề quản lý nước uống đóng bình là các cơ sở sản xuất tự phát mọc lên như nấm. Các gia đình, các hộ dân họ tự tổ chức sản xuất nước đóng bình. Đáng chú ý, họ làm ở trong làng, những nơi phải nói là “xa xôi, hẻo lánh”, chọn những chỗ mà ít bị để ý. Hơn nữa, họ khai thác, hệ thống lọc nước làm kín trong nhà, trong khu nhà ở của họ. Vì vậy nếu họ không đăng ký thì cơ quan chức năng rất khó phát hiện. Trong những vùng nội thành Hà Nội, đa số các cơ sở khai thác nước từ nguồn giếng khoan, hoặc nguồn nước máy chứ chưa thấy cơ sở nào mà sử dụng nước từ mương nước thải như hộ ở Hải Phòng mới bị phát hiện. 

Ông Tụ cho rằng: Để quản lý chặt chẽ hơn nước đóng bình, các đơn vị cần tăng cường kiểm tra,  phát hiện và xử lý vi phạm. Đồng thời, tuyên truyền người dân khi mở ra dịch vụ cung cấp nước đóng bình thì phải có trách nhiệm sản xuất ra sản phẩm an toàn. Khi phát hiện sai phạm thì phải xử lý vi phạm nghiêm. Đối với những đơn vị tập trung, có nhu cầu nước đóng bình lớn như bếp ăn hoặc trường học, theo tôi khi mua nước đóng bình của đơn vị nào thì phải đến kiểm tra, khảo sát tận nơi những cơ sở cung cấp nước cho mình. Khi ký kết hợp đồng thì phải cho điều kiện đó vào bắt buộc, nếu vi phạm đơn vị cung cấp phải đền bù vì cung cấp hàng không đủ chất lượng. Có như thế mới ràng buộc trách nhiệm của cơ sở cung cấp.

Cũng theo ông Tụ, về vấn đề quản lý nước đóng bình, Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế đã giao cho các tỉnh, các tỉnh quản lý trên địa bàn. 

Tìm hiểu của phóng viên Lao Động, bình quân mỗi ngày cơ sở nước đóng bình Trường Thành bán ra 200 bình, mỗi bình có dung tích 20 lít. Giá bán từ 9.000-10.000 đồng/bình. Nơi tiêu thụ là một số cơ quan, doanh nghiệp, trường học, các đại lý trong dân. Hiện, đoàn kiểm tra đã mời Trung tâm y tế huyện An Lão phối hợp lấy ngẫu nhiên mẫu sản phẩm nước đóng bình đã hoàn chỉnh để kiểm nghiệm theo quy định.

Quy định xử phạt chưa đủ sức răn đe

Căn cứ vào khoản 7 Điều 9 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4.9.2018 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thì hành vi “sử dụng nước mương thải để sản xuất nước bình tinh khiết” sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và bị áp dụng hình phạt bổ sung là “đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 1 tháng đến 3 tháng”.

Tuy nhiên, cách phạt tiền như trên không đáp ứng được yêu cầu phòng chống vi phạm Vệ sinh an toàn thực phẩm, không tạo được sự răn đe đối với các đối tượng này”. Luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn Luật sư TPHCM cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn