MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quảng Ninh phát triển kinh tế tuần hoàn trong sử dụng đất đá thải mỏ. Ảnh: Đoàn Hưng

Thị xã Đông Triều chấp thuận đưa đất đá thải mỏ vào san lấp mặt bằng

Đoàn Hưng LDO | 29/05/2023 21:49
Quảng Ninh – Ngày 29.5, theo thông tin từ UBND thị xã Đông Triều, địa phương vừa  ban hành các văn bản chấp thuận các phương án vận chuyển đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng một số dự án trên địa bàn. 

Đây là nguồn đất đá thải mỏ được hình thành trong quá trình khai thác than lộ thiên tại mỏ Nam Tràng Bạch của Tổng Công ty Đông Bắc.

Nguồn vật liệu này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng ý về nguyên tắc tại văn bản số 6702/BTNMT-ĐCKT ngày 8.11.2022 và UBND tỉnh Quảng Ninh thống nhất nội dung tại văn bản số 236/UBND-CN2 ngày 10.2.2023.

Cuối tháng 4.2023, thị xã Đông Triều đã hoàn thiện các thủ tục, triển khai đưa đất đá thải mỏ vào thực hiện san lấp mặt bằng cho các dự án đầu tư công trên địa bàn. 

Cụ thể, với một số dự án như: Hạ tầng đất khu dân cư tại khu Vĩnh Hòa, phường Mạo Khê; khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều; khu dân cư tại khu Vĩnh Quang 1, phường Mạo Khê; dự án GPMB và đầu tư hạ tầng đất dân cư điểm phía bắc trụ sở UBND phường Hưng Đạo; dự án GPMB và đầu tư hạ tầng đất dân cư điểm xen kẹp khu Đoàn Xá 2, phường Hồng Phong...

Như vậy, sau thành phố Cẩm Phả, thị xã Đông Triều là địa phương tiếp theo tại Quảng Ninh đưa đất đá thải mỏ vào san lấp mặt bằng.

Việc này đóng góp tích cực vào việc tháo gỡ “điểm nghẽn” về vật liệu san lấp ở các dự án. Từ đó góp phần tăng tiến độ các dự án, thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Một trong những hướng đi quan trọng trong phát triển kinh tế tuần hoàn mà Quảng Ninh triển khai những năm qua là sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp thực hiện các dự án, công trình trọng điểm.

Chủ trương này tạo ra lợi ích kép khi không chỉ tăng giá trị cho doanh nghiệp, mà còn giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu mà Quảng Ninh đặt ra khi đẩy mạnh thực hiện hiệu quả mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn