MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều diện tích lúa vụ mùa ở tỉnh Thái Bình thiệt hại sau bão số 3 Yagi. Ảnh: Trung Du

Thiệt hại 55.000 ha lúa mùa ở Thái Bình sau bão số 3 Yagi

TRUNG DU LDO | 08/09/2024 11:40

Sau bão số 3 (bão Yagi), tỉnh Thái Bình có 28.000 ha lúa mùa bị thiệt hại từ 30-70%, 27.000 ha bị thiệt hại trên 70%.

Sáng nay - 8.9, theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, do ảnh hưởng của bão số 3, tại Thái Bình đã đo được gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12; lượng mưa trung bình trên toàn tỉnh từ ngày 6.9 đến 7h ngày 8.9 là 203,4 mm, đặc biệt có nơi cao như xã An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ lượng mưa trung bình 419,4 mm.

Tính đến ngày 8.9, trên địa bàn toàn tỉnh Thái Bình có 74.327 ha lúa mùa, trong đó diện tích đã trổ bông khoảng 27.407 ha (đạt 35%); diện tích cây màu vụ hè thu đã thu hoạch khoảng 5.000 ha (đạt 58% tổng diện tích đã gieo trồng).

Sau bão số 3, có 28.000 ha lúa mùa trong tỉnh bị thiệt hại từ 30-70%, 27.000 ha bị thiệt hại >70%, trong đó diện tích lúa đổ bị úng ngập là 18.000 ha; 585 ha rau màu vụ đông mới trồng và rau màu vụ hè thu chưa thu hoạch bị ảnh hưởng 30-70%, 2.760 bị ảnh hưởng >70%; 1.215 ha cây ăn quả, chuối... bị ảnh hưởng 30-70%, 170ha bị ảnh hưởng >70%.

Ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTT và TKCN tỉnh đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 tại huyện Thái Thụy. Ảnh: Nam Hồng

Để tiêu úng, chống ngập trong nội đồng, từ 2h rạng sáng ngày 8.9, các trạm bơm trên toàn tỉnh đã vận hành trở lại, việc tiêu úng đã được chỉ đạo tiêu triệt để trên toàn hệ thống. Theo đó, mở các cống tiêu nước; huy động tối đa mọi phương tiện khơi thông dòng chảy nhằm tiêu nước, sử dụng bơm cưỡng bức; kết hợp tháo nước nhanh để cứu cây trồng bị ngập úng; ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích bị ngập úng nặng, khó tiêu thoát nước.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình yêu cầu, chỉ đạo các đơn vị, địa phương rà soát, đánh giá cụ thể thiệt hại diện tích lúa mùa, hoa màu, thủy sản, chủ động các biện pháp khắc phục, phục hồi sản xuất. Có phương án để kịp thời hỗ trợ cho người dân vùng bị thiệt hại khôi phục và phát triển sản xuất.

Về số nhà dân, nhà xưởng, cơ quan, trường học bị tốc mái, tình trạng cây cối bị gãy đổ, bật gốc nhiều (số liệu chi tiết các địa phương đang tổng hợp). Sơ bộ theo thống kê ban đầu có khoảng 30 cột điện bị đổ; 11 cột viễn thông bị đổ, gẫy; 17 trạm biến áp bị sự cố. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại về người, tàu bè.

Lúa mùa tại xã Nam Thắng, Tây Tiến (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) bị úng, ngập sau mưa bão. Ảnh: Trung Du

Trưa 8.9, trao đổi với PV Lao Động, lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình cho biết: Theo thống kê sơ bộ trên địa bàn huyện có khoảng 2.850 ha lúa mùa đã và đang trỗ bông bị đổ nghiêng, ngập (hiện đang khẩn trương thực hiện công tác tiêu, thoát nước); 1.100 ha hoa màu (800 ha cây màu hè, 300 ha cây vụ đông) bị ảnh hưởng.

Một số diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, lụt; cây xanh trên nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn bị gãy đổ, bật gốc; một số tuyến đường bị ngập úng cục bộ; 1 công trình trường học, trạm y tế bị tốc mái tôn, bung cửa, vỡ kính; các công trình đê điều được đảm bảo an toàn; một số nhà xưởng tại các khu, cụm công nghiệp bị bay mái tôn, chưa ghi nhận thiệt hại lớn.

Trên toàn huyện có khoảng trên 27 cột điện hạ thế bị gãy đổ, 1 cột cao thế bị nghiêng, nhiều đoạn dây trung thế ở 13 cột, trạm bị đứt, vỡ các thiết bị trụ sứ. UBND huyện Tiền Hải, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã đang, tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đơn vị khẩn trương, nhanh chóng khắc phục thiệt hại, xử lý các sự cố sau bão số 3 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình.

Một số hình ảnh do PV Lao Động ghi nhận trong sáng 8.9 tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình:

Cây xanh đổ, gãy nhiều ở các xã Tây Phong, Nam Hà, Nam Hải của huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Trung Du
Ông Đỗ Văn Trịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải kiểm tra công tác tiêu thoát nước tại cống Bồng He (xã Nam Hồng) và cống Tân Lập (xã Nam Hải). Ảnh: Trung Du
Do mất điện lưới nên không thể vận hành mở phai cống Bồng He bằng điện, cán bộ Xí nghiệp thủy nông huyện Tiền Hải phải mở cống bằng tay quay. Ảnh: Trung Du

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn