MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bão Rai xảy ra vào cuối năm 2021 được đánh giá là cơn bão nguy hiểm. Nguồn: NCHMF

Thiệt hại do thiên tai giảm kỷ lục trong năm 2021

Vũ Long LDO | 30/12/2021 20:26

Thiên tai trong năm 2021 dù nguy hiểm, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, tuy nhiên thiệt hại đã giảm mạnh so với năm trước.

Thiệt hại do thiên tai giảm kỷ lục trong năm 2021

Theo Tổng cục Phòng, Chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), năm 2021, cả nước đã xảy ra 841 trận thiên tai với 18/22 loại hình; trong đó 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, từ tháng 9 đến tháng 11, khu vực miền Trung đã chịu ảnh hưởng liên tiếp của 4 cơn bão số 5, 6, 7, 8 và 6 đợt mưa lũ lớn diện rộng.

Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương; ước tính giá trị thiệt hại trên 5.200 tỉ đồng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2021 và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2022. Ảnh: Ngọc Hà

Chiều 30.12.2021, tham gia hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2022 do Bộ NNPTNT tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đánh giá về những bất thường, nguy hiểm của thiên tai trong năm qua, ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường - TNMT) - nhấn mạnh: Siêu bão Rai mặc dù đã giảm cấp khi đi qua Philippines, nhưng khi vào biển Đông thành cơn  bão số 9 vẫn là cơn bão rất mạnh trong nhiều năm trở lại đây có diễn biến phức tạp về hướng di chuyển, có cường độ mạnh trên biển Đông tác động tới khu vực có nhiều tàu cá đánh bắt trên biển, ven bờ và các hoạt động kinh tế khác. 

Thiên tai ngày càng bất thường, cần "theo kịp" khoa học để ứng phó

Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, Chống thiên tai Trần Quang Hoài, năm 2021 vẫn là một năm giảm kỷ lục về thiệt hại do thiên tai gây ra so với năm 2020 (357 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế là 39.945 tỉ đồng).

Mặc dù chủ động triển khai ứng phó và các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát rủi ro với thiên tai, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học công nghệ… nhưng Tổng cục Phòng, Chống thiên tai cũng thừa nhận những tồn tại và hạn chế hiện nay như: Phương án ứng phó với một số loại hình thiên tai chưa sát với thực tế. Một số văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng còn lúng túng…

Một số nhiệm vụ như: Kiểm tra công tác phòng chống thiên tai; việc thực hiện Chỉ thị 42 của Ban Bí thư, 3 năm thực hiện Nghị quyết 76 của Chính phủ tại địa phương chưa thực hiện được do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội, nguy cơ lây nhiễm cao.

Bên cạnh đó, việc thành lập Quỹ Phòng, Chống thiên tai Trung ương triển khai còn chậm, chưa hoàn thành.  Nhiều hoạt động triển khai hiệu quả còn thấp do không tổ chức thực hiện trực tiếp được (triển khai trực tuyến); Công tác tổng hợp báo cáo có lúc còn chưa kịp thời...

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, thiên tai ngày càng cực đoan, trái quy luật do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đã và đang gây tổn thất rất lớn trên thế giới; nhiều quốc gia hàng đầu về kinh tế, khoa học công nghệ và năng lực phòng chống thiên tai song vẫn bị thiệt hại rất nặng nề.

Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 ở các nước vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Các thiên tai lớn như siêu bão, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, động đất… vượt lịch sử có nguy cơ cao tác động đến nước ta, đe dọa sự an toàn và phát triển bền vững của đất nước.

“Đó là thách thức rất lớn đối với toàn xã hội nói chung và công tác phòng chống thien tai nói riêng, đòi hỏi công tác phòng chống thiên tai phải ngày càng tốt hơn, quyết liệt hơn” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn