MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ sạt lở xã Phú Cường, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) khiến 18 người thuộc 4 hộ gia đình bị vùi lấp. Ảnh: Hải Nguyễn

Thiệt hại kinh hoàng do mưa lũ: Dân bị động vì thiếu cảnh báo kịp thời?

KHÁNH VŨ LDO | 13/10/2017 11:22
Theo báo cáo Văn phòng thường trực BCĐ Trung ương về PCTT, tính đến 16h ngày 12.10, đợt mưa lũ lịch sử này tại các tỉnh phía Bắc đã khiến 102 người thương vong. Mưa lũ cũng khiến 235 ngôi nhà bị “xóa sổ”, 1.367 ngôi nhà bị thiệt hại nặng.

Ngoài ra, trên 17.000 ngôi nhà bị ngập nước, 746 ngôi nhà phải di dời. Trên 8.000ha lúa và 26.691ha hoa màu bị úng ngập, thiệt hại; 1.186 con gia súc, 46.945 con gia cầm bị cuốn trôi…

Nhiều ý kiến cho rằng, đợt mưa này chưa phải lớn nhất và không kéo dài, tại sao tỉ lệ thương vong lại lớn như vậy? Phải chăng công tác dự báo và ứng phó có sai sót? 

Mưa không quá lớn, tại sao ngập lụt lại vượt mức lịch sử?

Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 12.10, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường - GS-TSKH Dương Đức Tiến (nguyên giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho rằng, vấn đề thiên tai trong năm vừa qua diễn biến phức tạp, trong khi trình độ dự báo của chúng ta có hạn nên chưa lường hết trước được những vấn đề đó (thảm họa thiên tai - PV).

“Tôi nghĩ, ngành khí tượng thủy văn cần trang bị thêm những thiết bị tốt hơn, đồng thời nâng cao hơn nữa trình độ của cán bộ kỹ thuật. Tôi cho rằng, trình độ của các nhà khí tượng thủy văn học chưa được nâng cao lắm cho nên cần chú trọng, đầu tư thêm. Xưa nay, dân vẫn đùa câu cửa miệng không chính xác như “dự báo thời tiết” và chuyện này vẫn thường xảy ra.

Trong khi các nước, công tác dự báo thời tiết khá chuẩn, công tác dự báo chính xác sẽ giảm tai họa cho người dân rất nhiều” - GS-TSKH Dương Đức Tiến nhấn mạnh.

GS-TSKH Dương Đức Tiến cho rằng, song song cùng với việc nâng cao trang thiết bị, cần có những chuyên viên cao cấp đủ trình độ để “đọc” được những thông tin mà máy móc cung cấp. Đây là điều mà ngành khí tượng thủy văn đang rất thiếu và rất yếu, chưa đáp ứng được.

Trước nhiều ý kiến trái chiều như vậy, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia - khẳng định: Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương đã theo dõi chặt chẽ, cảnh báo sớm áp thấp nhiệt đới và khả năng mưa to đến rất to cho các khu vực từ ven biển Trung Bộ, mở rộng ra nam Đồng bằng và phía tây Bắc Bộ.

Kịp thời cung cấp tin dự báo, cảnh báo cho BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai và các Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các cấp để kịp thời chỉ huy, chỉ đạo ứng phó và điều hành xả lũ, chống lũ và khắc phục hậu quả thiên tai. Trong các ngày từ 6-7.10 đã có cảnh báo về đợt mưa lớn ở khu vực Đông Bắc Bộ đến Thanh Hóa, Hà Tĩnh.

Trong các bản tin cảnh báo, dự báo đợt áp thấp nhiệt đới từ các ngày 7 - 9.10 đã có cảnh báo về mưa lớn. Các Đài KTTV Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái đã theo dõi chặt chẽ và cung cấp kịp thời thông tin cảnh báo, dự báo cho các địa phương chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Tuy nhiên, do mưa lớn nhiều ngày trước đó, cộng với đợt mưa dồn dập của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, nên sự cộng hưởng lớn, gây nên nhiều thiệt hại cho các vùng dân cư dễ bị tổn thương bởi mưa bão lũ quét và sạt lở đất.

Xả lũ hồ Hòa Bình là tác nhân làm nghiêm trọng thêm lũ lụt?

Ông Lê Thanh Hải cho rằng, tại hồ thủy điện Hòa Bình đã đo được lưu lượng đến hồ lớn kỷ lục 15.940m3/s vào lúc 12h ngày 11.10, buộc phải mở khẩn cấp 8 cửa xả đáy. Trong quá khứ, mới chỉ có 3 lần phải mở 7 cửa và 5 lần phải mở 6 cửa. Cũng vì mưa lớn, diện rộng, kỷ lục nên phạm vi ngập lụt và sạt lở là rất nghiêm trọng và thiệt hại lớn.

Các lực lượng cứu hộ huy động cả chó nghiệp vụ để tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp. Ảnh: Hải Nguyễn.

Ông Nguyễn Phúc Vinh - chuyên gia thủy điện, nguyên giảng viên Trường ĐH Xây dựng - cho biết: Trong đợt lũ lịch sử năm 2017 này là do cơ quan dự báo chỉ chăm chăm dự báo bão, áp thấp nhiệt đới mà không chú trọng dự báo về mưa. Do không tiên lượng được lượng mưa nên không dám chủ động xả lũ trước để giảm áp lực cho hồ Hòa Bình.

Đến khi trời mưa liên tiếp, lưu lượng về hồ tăng nhanh, nguy cơ mất an toàn đập thì vội lệnh cho Thủy điện Hòa Bình mở 8 cửa xả đáy để “tiêu” bớt nước, đồng thời lệnh Thủy điện Sơn La ngừng phát các tổ máy, không xả nước về hạ du để tránh nước dồn về hồ Hòa Bình.

“Đây là cách làm đúng của thủy điện, nếu không, các hồ chứa không chịu được áp lực, bị vỡ đập thì hậu quả khôn lường, hàng triệu mét khối nước sẽ nhấn chìm Hà Nội và các tỉnh lân cận vùng hạ du”.

Điều đáng nói là nếu cơ quan dự báo tiên lượng chuẩn về lượng mưa để các hồ thủy điện xả lũ trước theo lưu lượng ít và chậm hơn, sẽ khiến tình trạng lũ lụt tại vùng hạ du giảm bớt. Việc tiên lượng không chuẩn đã khiến lệnh xả lũ ban hành khẩn cấp, nên việc thông báo cho vùng hạ du trong thời gian 1 đêm là quá ngắn, không đủ thời gian để người dân sơ tán người và tài sản, chạy lũ” - ông Nguyễn Phúc Vinh nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn