MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh về đợt mưa lũ kinh hoàng xảy ra ở các tỉnh miền Bắc nước ta những ngày qua.

Thiệt hại nặng nề do mưa lũ, ai phải chịu trách nhiệm?

Bích Hà LDO | 17/10/2017 09:13
Những ngày qua, nhiều địa phương ở nước ta liên tục xảy ra mưa lũ, gây thiệt hại rất lớn về người, sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Câu hỏi đặt ra, ai là người chịu trách nhiệm trước việc này, hay chỉ người dân gánh chịu nỗi đau?

Chính quyền địa phương có một phần trách nhiệm

Theo Đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Xuyền (đoàn Thái Bình), những thiệt hại rất lớn do đợt mưa lũ lịch sử vừa qua ở nhiều địa phương, một phần do công tác dự báo, cảnh báo của chúng ta làm chưa tốt.

Ông băn khoăn, hiện Luật Khí tượng Thủy văn đã có quy định rất rõ ràng, nếu dự báo sai, gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan dự báo phải chịu trách nhiệm, nhưng đến nay chưa thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm này.

Tuy nhiên, GS-TS Phan Văn Tân (Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học, ĐH Quốc gia HN) cho rằng, không nên đổ lỗi cho nhau mỗi khi có sự cố nào đó xảy ra.

“Việc phát bản tin dự báo thời tiết phải tuân theo các thuật ngữ, thời hạn, tần suất phát, nội dung phát,... theo quy định của pháp luật. Nếu phát không đúng theo quy định thì cơ quan khí tượng phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, việc hiểu nội dung các bản tin đó lại thuộc về người sử dụng thông tin. Đây quả là vấn đề khó, đặc biệt đối với những người suốt ngày “chân lấm tay bùn”.

 GS-TS Phan Văn Tân.

Có điều không thể nói các cấp lãnh đạo chính quyền ở từng địa phương không hiểu. Trong điều kiện thời tiết bình thường thì không sao, nhưng trong những trường hợp như mưa lớn gây lũ lụt, bão,… nếu để xảy ra cái gọi là “khiến người dân bị động, lúng túng trong công tác phòng, chống thiên tai” thì có lẽ lãnh đạo chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm (ít nhất là một phần nào đó) với người dân thuộc quyền mình quản lý”, GS -TS Phan Văn Tân nêu quan điểm.

Người dân cần chủ động phòng, tránh

Cũng theo GS Phan Văn Tân, một trong nhiều việc cần làm mà nước ta chưa làm được, đó là nâng cao nhận thức của người dân về bản chất của các bản tin dự báo.

“Đã là dự báo thì không thể đòi hỏi chính xác 100%. Mỗi hiện tượng có một phạm vi sai số cho phép. Thiên tai thì khó chống. Liệu có chống được trời? Vậy chỉ có phòng và tránh thôi. Muốn phòng và tránh tốt thì phải dự báo, cảnh báo tốt. Muốn dự báo, cảnh báo tốt, phải có các điều kiện tiên quyết sau:

Đầu tiên là chúng ta phải có chế độ đãi ngộ để thu hút nhân lực. Tiếp theo cần có mạng lưới quan trắc tốt, đồng bộ, cả số liệu truyền thống và phi truyền thống. Thứ ba là đầu tư về thiết bị, phương tiện tính toán. Cuối cùng là tranh thủ sự giúp đỡ và kinh nghiệm của quốc tế” – GS Tân chia sẻ.

GS Tân cũng cho rằng, điều kiện thời tiết, khí hậu đang ngày càng có xu hướng diễn biến khó lường, việc dự báo nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm như trong những thập niên 70-80 sẽ không còn tác dụng. Thay vào đó cần phải có những phương pháp, công cụ hiện đại hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn