MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ khai thác đất trái phép ở thôn Bến Hà, xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hưng Thơ.

Thiếu đất đắp gây nhiều hệ lụy, khắc phục để giải ngân vốn đầu tư công

HƯNG THƠ LDO | 29/02/2024 09:43

Thiếu đất đắp ở tỉnh Quảng Trị không chỉ làm chậm tiến độ nhiều dự án, chậm giải ngân vốn đầu tư công mà còn tạo thời cơ cho “đất tặc” lộng hành, gây thất thu thuế.

“Đất tặc” lộng hành

Vào cuối tháng 1.2024, từ tin báo của báo chí, UBND huyện Gio Linh và UBND xã Linh Trường (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) kiểm tra, thì phát hiện vụ khai thác đất trái phép lớn ở thôn Bến Hà (xã Linh Trường).

Đất khai thác trái phép lại được đưa vào san nền cho Dự án Khu tái định cư xã Linh Trường ở cạnh đó. Dù khai thác rầm rộ, diễn ra vào ban ngày, nhưng cơ quan chức năng lại không hay biết?

Cũng tại xã Linh Trường, tháng 5.2023, phóng viên Lao Động phát hiện vụ khai thác đất trái phép ở thửa đất số 23, tờ bản đồ số 9 (xã Linh Trường). Sau khi khai thác, đất được vận chuyển đến khu vực đang thi công dự án Khu đô thị Bắc sông Hiếu giai đoạn 2 (thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị).

Sau khi báo nêu, UBND huyện Gio Linh mới vào cuộc, rồi xử phạt chủ đất 15 triệu đồng, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của thửa đất.

Nhưng, tháng 9.2023 tiếp tục xảy ra việc khai thác đất trái phép ở thửa đất này. Cũng từ tin báo của phóng viên, địa phương xử phạt thêm vài triệu đồng, rồi thôi.

Hiện trường vụ khai thác đất trái phép vào tháng 7.2023 ở xã Linh Trường. Ảnh: Hưng Thơ.

Chưa hết, vào tháng 7.2023, cũng Báo Lao Động phát hiện vụ khai thác đất trái phép ở thôn Đồng Dôn (xã Linh Trường). Khi báo đăng, UBND huyện Gio Linh mới xử phạt chủ đất 15 triệu đồng, buộc khôi phục lại nguyên trạng thửa đất. Kết quả, đến thời điểm này, thửa đất vẫn nham nhở, chưa được khôi phục?

Do nhu cầu đất đắp cao, nhưng không có mỏ đất, nên “đất lậu” có cơ hội tung hoành, trong lúc cơ quan chức năng lại chỉ xử lý cho có lệ.

Hệ lụy nhiều, phải khắc phục ngay

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương đã quy hoạch 66 mỏ đất làm vật liệu san lấp với tổng tài nguyên dự báo 50,715 triệu m3.

Vào năm 2022, đã đấu giá 27 mỏ đất, đấu trúng 16 mỏ, nhưng chỉ có 10 mỏ đất nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, và hiện đang quá trình hoàn tất các thủ tục để khai thác.

Do các mỏ chưa đưa vào khai thác, nên trong năm 2023 thiếu đất đắp trầm trọng. Nhu cầu sử dụng đất san lấp khoảng 4,22 triệu m3, thực tế chỉ được cung cấp 0,83 triệu m3 đất.

Dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, tỉnh Quảng Trị đang thi công cần khối lượng đất đắp khoảng 1.779.614m3, nếu năm 2024 này không có đất để triển khai thì sẽ chậm tiến độ. Ảnh: Hưng Thơ.

Hiện, Quảng Trị có 6 mỏ đã cấp phép, cùng với việc thu hồi từ nạo vét lòng hồ và nguồn cân đối đào đắp là khoảng 21,76 triệu m3. Tuy nhiên, khai thác mỗi năm vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu.

Trước câu hỏi, làm sao để giải quyết tình trạng thiếu đất đắp trong năm 2024, ông Hà Sỹ Đồng nói rằng, UBND tỉnh Quảng Trị đã giao Sở TNMT tỉnh Quảng Trị tham mưu các phương án.

Theo đó, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ đấu giá các mỏ đất và hoàn tất thủ tục đưa vào khai thác, Sở TNMT đề xuất khoanh định khu vực không đấu giá mỏ đất san lấp phục vụ các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công; cho phép cải tạo mặt bằng đất ở, cải tạo đất nông nghiệp và tận dụng đất làm vật liệu san lấp.

Ông Trần Văn Quảng - Giám đốc Sở TNMT tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị này đang tổng hợp nhu cầu đất đắp của các địa phương, tiếp đó sẽ tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị hoàn tất các thủ tục.

"Mục tiêu là sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu đất đắp phục vụ cho các dự án trong năm 2024” - ông Trần Văn Quảng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn