MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngân hàng máu cấp đi các cơ sở y tế. Ảnh: Công Thắng

Thiếu máu điều trị tại nhiều bệnh viện, trách nhiệm thuộc về ai?

Lệ Hà LDO | 02/11/2023 06:05

Tình trạng thiếu máu ở các bệnh viện tại ĐBSCL chưa được cải thiện, thậm chí nguồn máu tại Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ (đơn vị huyết học truyền máu duy nhất tại khu vực ĐBSCL) ngày càng cạn kiệt.

Liên tiếp có chỉ đạo nhưng không giải quyết được thiếu máu

Trước phản ánh về tình trạng thiếu máu lại diễn ra tại Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL trong những ngày gần đây, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tiếp tục có Công văn yêu cầu phải bảo đảm cung cấp đủ máu và chế phẩm máu cho các bệnh viện vùng ĐBSCL.

Trước đó, từ đầu tháng 6.2023, tình trạng thiếu máu tại khu vực này đã diễn ra, Bộ Y tế đã nắm bắt tình hình và liên tiếp có 4 văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp các đơn vị liên quan. Theo số liệu báo cáo của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Thành phố Cần Thơ và các trung tâm truyền máu, tổng lượng máu Bộ Y tế điều phối hỗ trợ cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Thành phố Cần Thơ để cung cấp cho 74 bệnh viện khu vực ĐBSCL từ tháng 6.2023 đến nay là gần 65.000 đơn vị máu. Sự chi viện quý báu này đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản cho cấp cứu và điều trị người bệnh trong khu vực. Tuy nhiên đến ngày 30.10.2023, công tác mua sắm vật tư, túi máu, sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc máu của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Thành phố Cần Thơ vẫn chưa có đủ để bệnh viện tiếp nhận và cung cấp máu đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh.

Trong phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV ngày 1.11, Bộ trưởng Bộ Y tế - Đào Hồng Lan cho rằng: Thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế là thách thức dai dẳng, đây không phải là hiện tượng mới. Đặc biệt, các thuốc cho hệ thần kinh, hệ tim mạch, thuốc chống nhiễm trùng, thuốc chống ung thư...

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan như: Do hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn bất cập; việc tổ chức thực hiện mua sắm đấu thầu còn vướng mắc; công tác phối hợp giữa các đơn vị chưa kịp thời, hiệu quả; đặc biệt có tâm lý e ngại, sợ sai ở một số cá nhân, đơn vị, địa phương.

Thời gian qua, Bộ Y tế, các bộ, ngành đã trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1.1.2024 sẽ giải quyết, tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc về đảm bảo nguồn cung và việc thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.

Kỷ luật với những trường hợp không làm hết trách nhiệm

Trong công văn yêu cầu phải bảo đảm cung cấp đủ máu và chế phẩm máu cho các bệnh viện vùng ĐBSCL, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định nếu tình trạng thiếu máu kéo dài, địa phương cần phải xem xét những hình thức kỷ luật với những trường hợp không làm hết trách nhiệm (nếu có trong việc mua sắm đủ vật tư, túi máu, sinh phẩm).

Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu Sở Y tế Thành phố Cần Thơ, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ nghiêm túc rút kinh nghiệm việc không bảo đảm nguồn cung ứng máu, ảnh hưởng đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và uy tín chung của ngành. Hai đơn vị này khẩn trương báo cáo UBND Thành phố Cần Thơ tổ chức đấu thầu, mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm, túi máu đầy đủ để phục vụ công tác truyền máu; báo cáo kết quả và tiến độ mua sắm về Bộ Y tế.

Trong trường hợp vẫn chưa mua sắm được, yêu cầu Sở Y tế tìm mọi cách huy động các nguồn lực của địa phương và xã hội để có vật tư, túi máu… phục vụ công tác cung ứng máu.

"Bộ Y tế cam kết sẽ cùng với các đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ máu cho khu vực này. Rõ ràng, có cùng một chính sách có nơi làm tốt có nơi còn vướng mắc" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn