MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương hỗ trợ máu cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Thiếu máu ở các tỉnh ĐBSCL: Nước xa không cứu được lửa gần

Thùy Linh LDO | 12/06/2023 07:57

Để giải quyết tình trạng thiếu máu diện rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay cần phải có những biện pháp căn cơ và lâu dài. Quan trọng nhất, địa phương cần chủ động, đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm túi lấy máu...

Khi bác sĩ phải xin lỗi bệnh nhân

Ngày 31.5, trên mạng xã hội xuất hiện lời xin lỗi của một bác sĩ ở Trà Vinh trước thực trạng không đủ máu để thực hiện công tác khám, chữa bệnh với những lời chất chứa tâm trạng: “Trước tiên tôi xin cúi đầu xin lỗi những bệnh nhân đang thiếu máu và cần truyền máu, những bệnh nhân đang chờ mổ chương trình mà không có máu… Kính mong các cấp giải quyết vấn đề này càng nhanh càng tốt”.

Vấn đề thiếu máu đang làm điêu đứng các cơ sở y tế Miền Tây. Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ đã gửi các công văn và báo cáo về tình trạng thiếu vật tư, hóa chất để tiếp nhận và sàng lọc, cung cấp máu cho các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh trong khu vực.

Trong đó đã báo cáo một số vấn đề khẩn cấp: Đã hơn 1 năm qua không thực hiện đấu thầu rộng rãi mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế, trong đó có túi để lấy máu và các hóa chất xét nghiệm sàng lọc nên Bệnh viện đã không còn túi đi lấy máu từ tháng 3.2023 và đến nay vẫn chưa có kết quả thầu 2023- 2024.

Mỗi năm Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ cần khoảng 150 tỉ đồng để mua sắm hoá chất, vật tư y tế (trung bình mỗi tháng khoảng 12 tỉ đồng) mới bảo đảm nhu cầu hoạt động thu máu và cung cấp máu cho các bệnh viện, cơ sở y tế trong khu vực.

Trước tình hình chậm trễ do các thủ tục đấu thầu, bệnh viện đã thực hiện nhiều gói thầu mua sắm dưới 100 triệu đồng, nhưng số lượng trên chỉ như muối bỏ biển.

Nước xa không cứu được lửa gần, các địa phương phải chủ động

Trước tình trạng này, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trung tâm máu Quốc gia làm đầu mối điều phối, phối hợp với các trung tâm truyền máu thuộc (Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế; Bệnh viện Truyền máu - Huyết Học TP Hồ Chí Minh và các trung tâm truyền máu khác) bảo đảm cung cấp máu và chế phẩm để hỗ trợ các bệnh viện thuộc phạm vi cung cấp máu của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ có đủ máu cho cấp cứu và điều trị người bệnh.

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho hay, các trung tâm trên cả nước đã cung cấp trên 20.000 đơn vị máu trong mấy tháng đầu năm cho Cần Thơ và sẽ tiếp tục phân phối cho các tỉnh Miền Tây Nam Bộ.

Để có thể hỗ trợ cho Cần Thơ và các tỉnh Miền Tây Nam Bộ, trong thời gian tới, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cùng với Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Truyền máu - Huyết Học TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Trung ương Huế cam kết tích cực hỗ trợ cho Miền Tây Nam Bộ một lượng chế phẩm máu nhất định, phục vụ cho nhu cầu điều trị, cấp cứu thiết yếu cho người bệnh. Ngoài ra, cũng tăng cường lịch lấy máu để có thể tăng thêm nguồn máu tại các tỉnh miền Bắc, Miền Nam đủ hỗ trợ thêm cho Miền Tây Nam Bộ. Chương trình Hành trình đỏ năm 2023 khởi động ở Bạc Liêu dự kiến sẽ thu được trên 1.500 đơn vị máu. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài, căn cơ cho vấn đề này chính là nhanh chóng giải quyết từ gốc rễ, đó chính là vấn đề đấu thầu vật tư y tế đang bị chững lại tại các địa phương.

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh - Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương - cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm túi lấy máu tại bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ để có thể cung cấp đủ máu cho người dân địa phương và các tỉnh lân cận ở miền Tây.

“Vấn đề chính là câu chuyện chủ động tại các vùng miền, các địa phương. Trong Cần Thơ, đã thông qua kế hoạch mua sắm mới, tôi hi vọng trong thời gian tới sẽ ổn dần”- PGS.TS Nguyễn Hà Thanh cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn