MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Do máy gặt thiếu nên vợ chồng ông Luyện phải gặt thủ công bằng liềm rất vất vả. Ảnh: Trần Tuấn.

Thiếu máy gặt, nhiều nông dân Hà Tĩnh phải gặt thủ công

TRẦN TUẤN LDO | 18/05/2021 19:19
Lúa đã chín rộ ngoài đồng, nhưng do thiếu máy gặt đập liên hoàn nên nhiều nông dân Hà Tĩnh đã phải chủ động gặt thủ công bằng liềm vừa vất vả lại rất chậm.

Nông dân sốt ruột chủ động gặt thủ công

Ngày 18.5, thời tiết tại Hà Tĩnh rất nắng nóng, nhưng trên nhiều cánh đồng, nông dân Hà Tĩnh đang khẩn trương thu hoạch lúa. Ghi nhận của phóng viên, có những cánh đồng có máy gặt liên hoàn, nhưng cũng có những cánh đồng không thấy máy gặt liên hoàn xuất hiện nên nhiều nông dân phải gặt thủ công bằng liềm.

Tại cánh đồng vùng Tai Nồi thuộc xã Đồng Môn (thành phố Hà Tĩnh), nhiều nông dân đang thu hoạch lúa thủ công. Ông Dương Công Luyện cùng vợ đã ngoài 70 tuổi nhễ nhãi mồ hôi dùng liềm gặt lúa.

Thu hoạch thủ công rất vất vả. Ảnh: Trần Tuấn.

Ông Luyện cho hay, do máy gặt liên hoàn đang gặt ở đồng khác mà lúa của gia đình đã chính nên đành phải gặt thủ công. Trong tổng diện tích 1 mẫu thì đến nay hai ông bà đã gặt thủ công được 2 sào và đang tiếp tục gặt khi máy liên hoàn chưa đến.

“Gặt thủ công thế này mệt lắm, vừa đau lưng vừa rất chậm. Mong sao máy gặt đến sớm để mà thuê chứ không thì không trụ nổi” - ông Luyện chia sẻ.

Ở cánh đồng phía đối diện, có một máy gặt liên hoàn đang gặt, nhiều nông dân đang vây quanh để chờ đến lượt mình. Anh Võ Sỹ Lâm đang ngồi chờ máy nói “Nhà tôi làm 6 sào ruộng. Mùa này máy gặt ít nên đã phải chủ động gặt thủ công được 4 sào. Giờ còn 2 sào đang chờ máy gặt liên hoàn đến gặt đây”.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch UBND xã Đồng Môn cho biết, vụ thu hoạch lúa năm nay do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên nhiều máy gặt đập liên hoàn từ các tỉnh khác không đến nên trên địa bàn thiếu máy gặt, dẫn đến nhiều nông dân lo lắng nên chủ động gặt thủ công.

Những bó lúa bó thu hoạch thủ công được người dân tập kết trên đường chờ máy đến tuốt. Ảnh: Trần Tuấn.
“Việc người dân lo lắng nên gặt thủ công thì rất vất vả. Tuy nhiên, cũng do lúa đã chín, họ vội gặt để tranh thủ thời tiết nắng đẹp mà phơi, đồng thời còn kịp cho vụ gieo sạt tiếp theo” - ông Anh nói.

Tại huyện Can Lộc cũng cục bộ xảy ra tình trạng thiếu máy gặt, máy gặt chậm về tại các xã Tùng Lộc, Vượng Lộc, Phú Lộc, thị trấn Can Lộc…

Chậm tiến độ thu hoạch

Ông Bùi Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết, trước tình trạng một số địa phương thiếu máy gặt, huyện đã chỉ đạo các xã chủ động liên hệ để điều tiết máy từ nơi nhiều, đã gặt gần xong sang nơi ít để gặt cho bà con.

Do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên nhiều máy gặt ở ngoại tỉnh không đến Hà Tĩnh gặt thuê như những vụ trước. Ảnh: Trần Tuấn.

“Đúng là năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều máy gặt từ Huế không ra nên thiếu máy gặt, dẫn đến tiến độ thu hoạch có chậm” - ông Cường chia sẻ.

Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều máy gặt ở các tỉnh khác không đến như những năm trước dẫn đến tình trạng thiếu hụt máy gặt phục vụ thu hoạch lúa xuân trên địa bàn tỉnh.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã thu hoạch được trên 70% diện tích lúa xuân với hơn 40.000 ha. Nhiều địa phương diện tích thu hoạch còn thấp là Nghi Xuân, Hương Sơn, thị xã Kỳ Anh và Hương Khê.

Anh Lâm đã gặt thủ công 4 sào, còn 2 sào đang ngồi chờ máy gặt đến gặt. Ảnh: Trần Tuấn.

Trước đó, ngày 14.5, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đi kiểm tra tiến độ thu hoạch lúa xuân đã chỉ đạo các địa phương tập trung huy động máy gặt đập để thu hoạch nhanh gọn lúa xuân; kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không để tình trạng bảo kê, nâng giá công gặt lúa, làm ảnh hưởng đến thu nhập của bà con nông dân. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng chỉ đạo tập trung thu hoạch với phương châm “lúa chín đến đâu thu hoạch nhanh gọn đến đó”, phấn đấu thu hoạch xong trước ngày 20.5.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn