MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều bệnh nhân các tỉnh vùng cao Tây Bắc phải mua thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế bên ngoài do bệnh viện liên tục hết. Ảnh: Bảo Nguyên

Thiếu thuốc bảo hiểm y tế xảy ra ở hầu khắp các tỉnh, thành

Nhóm Phóng viên LDO | 14/10/2023 06:37

Theo ghi nhận của phóng viên, tại TP Hồ Chí Minh nhiều địa điểm khám, chữa bệnh dù có năng lực nhưng phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên vì “bí thuốc”. Tương tự, việc thường xuyên thiếu thuốc điều trị cũng diễn ra ở các tỉnh vùng cao Tây Bắc...

Trạm Y tế khám cầm chừng vì thiếu thuốc

Từ sáng sớm, bà Ngô Thị Cẩm (72 tuổi, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) đến Trạm Y tế phường 8, quận Gò Vấp để khám bệnh định kỳ.

Bà Cẩm là bệnh nhân lâu năm được theo dõi tại trạm y tế này, với căn bệnh huyết áp mãn tính. Nhưng mỗi lần phát sinh bệnh khác đi kèm, bà Cẩm được khuyên nên lên tuyến trên để khám vì dưới này chưa có loại thuốc bà cần.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, sau khi khám bệnh đau đầu thâm niên, ông Hoàng Văn Hiếu (ở huyện Trạm Tấu, tên được thay đổi theo yêu cầu của nhân vật) cho biết, do thường xuyên đến đây khám bệnh, lại có bảo hiểm y tế nên thủ tục không quá phức tạp. Tuy nhiên, sau khi khám xong, ông được bác sĩ kê đơn thuốc để mua bên ngoài với lý do những loại thuốc trong danh mục cấp phát bảo hiểm y tế tại bệnh viện không còn.

“Từ nhà tôi lên thành phố khám bệnh khoảng 140km, đi lại rất vất vả, tốn kém. Mà bệnh thì quanh năm nên tôi muốn xin cấp phát thuốc bảo hiểm y tế cho đỡ tốn tiền. Thế nhưng khi thì các bác sĩ bảo đang chờ Bảo hiểm y tế duyệt, khi thì họ nói kê cho đơn khác ra ngoài hiệu thuốc mua, điều trị bệnh tốt hơn” - ông Hiếu than phiền.

Anh Bùi Xuân Lâm một bệnh nhân khác đang điều trị các biến chứng của bệnh tiểu đường cũng cho biết, không chỉ thiếu các loại thuốc huyết áp, tiểu đường mà đến các vật tư y tế phục vụ xét nghiệm máu, tiểu đường cũng liên tục thiếu nên bác sĩ thường đề nghị người nhà bệnh nhân ra ngoài mua.

Tương tự, qua khảo sát tại tỉnh Lào Cai, tình trạng khan hiếm thuốc bảo hiểm y tế đang khiến người bệnh phải chịu thêm nhiều tốn kém, nhất là người điều trị liên quan đến bệnh thận.
Chia sẻ về thực trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế, chị Nhàn (chủ một hiệu thuốc trên địa bàn TP Lào Cai) tiết lộ, với những danh mục thuốc bảo hiểm y tế muốn được đưa vào bệnh viện cấp phát cho bệnh nhân phải qua nhiều khâu, trong đó quan trọng nhất là thông qua Trưởng khoa Dược và Giám đốc Bệnh viện ký.

Tuy nhiên không ít loại thuốc do số lượng đấu thầu có hạn nên bác sĩ phải kê thuốc có thành phần tương tự thành phần để bệnh nhân mua bên ngoài.

Chưa kể, ở các tỉnh vùng cao như Lào Cai, Yên Bái, thuốc điều trị nhóm bệnh thận, bệnh thần kinh... thường do một số công ty phân phối độc quyền nên việc hết thuốc, chậm nhập thuốc bảo hiểm y tế thường xuyên xảy ra.

Y tế địa phương chật vật vì thiếu thuốc

Chia sẻ về tình trạng thiếu thuốc cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế, bác sĩ Trần Hoàng Hà - Trưởng trạm Y tế phường 8, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh - cho biết, mỗi tháng trạm này tiếp nhận 300-400 bệnh nhân. Hiện tại, trạm chủ yếu quản lý những bệnh lý không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, tâm thần… Về thuốc, hiện tại đáp ứng đủ những bệnh mãn tính không lây nhiễm, nhưng vì danh mục thuốc tại trạm hạn chế nên thuốc không được đa dạng.

Đơn cử như thuốc dành cho bệnh nhân tiểu đường, trạm y tế vẫn chưa có loại thuốc tiểu đường dạng tiêm qua đường tĩnh mạch, chỉ có đường uống nên những bệnh nhân hàm lượng đường trong máu cao hơn 10 chấm phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Một số danh mục thuốc do vướng đấu thầu nên bị đứt gãy nhiều giai đoạn, không gối đầu thuốc. Như dịch bệnh đau mắt đỏ bùng phát vừa qua, Trạm Y tế phường 8 không có thuốc nhỏ mắt, loại thuốc này rất cơ bản nhưng không có vì đứt gãy gói thầu.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, BS Lê Thị Hồng Vân, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái - cho biết, hiện nay trên địa bàn đang gặp một số khó khăn trong việc mua thuốc y học cổ truyền và thuốc hướng thần (kiểm soát đặc biệt được dùng trong bệnh viện gây mê, gây tê, điều trị bệnh động kinh, tâm thần).

Về nhóm thuốc y học cổ truyền do năm 2022 Bộ Y tế có Thông tư quy định các vị thuốc đưa vào khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phải có chứng nhận chất lượng, lưu hành (trước đây không cần). Do vậy số đơn vị tham gia dự thầu rất ít, cứ được bao nhiêu thì các đơn vị y tế dùng bấy nhiêu.

“Chúng tôi đã có kiến nghị Bộ Y tế về những vấn đề trên, trong đó cho phép bảo hiểm y tế chi trả cho những trường hợp mua thuốc không qua đấu thầu bằng đơn được duyệt, nhưng không được chấp thuận do luật không cho phép” - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn