MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thiếu thuốc khiến bác sĩ lo lắng nếu dịch tay chân miệng bùng phát

NGUYỄN LY LDO | 06/06/2023 11:40

TP Hồ Chí Minh - Những ngày qua thành phố liên tục ghi nhận những ca nhập viện điều trị tích cực vì mắc bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên công tác điều trị đang gặp khó khăn vì nguồn thuốc điều trị bệnh tay chân miệng đã hết.

Để giữ cho những cơn co giật hạn chế, các bác sĩ ngoài cột tay và chân bệnh nhi lại cũng cần phải có thuốc Phenobarbital nhằm giảm bớt những cơn co giật mình ở trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Tuy nhiên, do thuốc điều trị đã hết, các bác sĩ phải xoay đủ cách và các loại thuốc khác tương tự để hỗ trợ điều trị cho trẻ nên tình hình rất khó khăn.

Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đang được bác sĩ điều trị tại TPHCM. Ảnh: Nguyễn Ly

BS.CKII Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố cho biết, tình hình thuốc Phenobarbital điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ không chỉ hết tại bệnh viện mà tất cả các bệnh viện cũng đã hết. Nguyên nhân được cho là công tác đấu thầu và tiếp nhận thuốc đang được triển khai chưa xong. Để chăm sóc cho bệnh nhi kịp thời, bệnh viện đang cố gắng sử dụng nguồn thuốc dự trữ tác dụng tương tự thuốc Phenobarbital cho bệnh nhi. Tuy nhiên, số lượng thuốc này cũng đang dần cạn kiệt.

Cũng theo bác sĩ Tiến, khó lớn hiện nay là vấn đề về dự trữ và mua thuốc điều trị bệnh tay chân miệng, bởi các công ty đã sẵn sàng cung cấp nhưng các bệnh viện phải phụ thuộc theo tình hình thực tế. Nếu dịch bệnh tay chân miệng không tăng thì công tác đấu thầu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng có thể trì hoãn, không đặt quá nhiều. Nếu các bệnh viện không có kế hoạch đấu thầu thuốc hợp lý, không sử dụng hết mà để thuốc quá hạn sử dụng sẽ chịu nhiều trách nhiệm liên quan đến pháp lý.

“Thuốc IVIG (thuốc điều trị bệnh tay chân miệng độ 3-4, thậm chí có bệnh nhi độ 2 nặng vẫn được chỉ định sử dụng) hiện nay đang thiếu, 1 lọ khoảng 3.000.000 – 4.000.000 đồng/lọ. Một bệnh nhi nặng khoảng 10kg nếu điều trị sẽ dùng hết khoảng 8 lọ IVIG, nhưng nếu không dùng và để hết hạn thì bệnh viện phải giải trình, thậm chí là vướng pháp lí rất lớn. Điều này vô tình tạo áp lực và gây căng thẳng cho bệnh viện mỗi lần đấu thầu thuốc”, bác sĩ Tiến chia sẻ.

Để giảm thiểu được rủi ro, hầu hết các bệnh viện đều điều phối qua lại hỗ trợ nhau nhằm tránh lãng phí chỗ dư, chỗ thiếu.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh tình trạng thiếu thuốc vẫn diễn ra tương tự. Bác sĩ trực tiếp điều trị cho những bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng tại TP Hồ Chí Minh cho biết, không còn thuốc phenobarbital truyền tĩnh mạch - thuốc này đặc trị bệnh tay chân miệng ở cấp độ vừa chớm nặng. Trong những lúc thiếu như hiện tại, các bác sĩ phải truyền những loại thuốc có hiệu quả tương đương để thay thế.

Cũng theo ghi nhận thực tế tại một số bệnh viện, khoảng 2 - 3 năm trước các bệnh viện đã được báo về nguồn cung cấp thuốc thiếu. Theo phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế, dạng truyền tĩnh mạch được sử dụng liều cao hơn nhưng những người có sử dụng nhóm thuốc này phải được chỉ định, bởi đây là nhóm thuốc gây nghiện có tác dụng trong điều trị tay chân miệng nên được phép sử dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn