MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thiếu trầm trọng nguồn cát làm cao tốc, các địa phương cùng tìm giải pháp

Văn Sỹ LDO | 15/12/2022 19:51

Sóc Trăng - Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, giai đoạn từ 2022 - 2025, nhiều dự án lớn ở khu vực ĐBSCL được triển khai như: Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; Dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu; Dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh... dẫn đến nguy cơ thiếu vật liệu, đặc biệt là nguồn cát đắp nền đường.

Thông tin trên được nêu tại cuộc họp về nguồn vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đường bộ cao tốc trong khu vực ĐBSCL, giai đoạn 2021-2025 diễn ra vào ngày 15.12.

 Lãnh đạo một số Bộ, ngành và UBND tỉnh, thành có dự án cao tốc ở ĐBSCL khảo sát thực tế nguồn cát sông Hậu, địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Thạch Hồng

Theo báo cáo, đến nay mới có tỉnh An Giang có khả năng cung cấp được khoảng 1,1 triệu m3 cát cho Dự án từ nguồn tăng 50% công suất ở các mỏ cát đang khai thác. Còn lại các tỉnh, thành có dự án đi qua đều chưa có kế hoạch cung cấp cát cho dự án. Vì vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực hiện dự án.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn, hiện tại, các mỏ cát đang khai thác là 14 mỏ và khả năng khai thác theo giấy phép năm 2022 còn lại 3,13/5,21 triệu m3. Trong khi đó, Đồng Tháp có 2 đường cao tốc đi qua gồm Cao Lãnh – An Hữu và Cao Lãnh – Mỹ An, với số lượng cát san lấp khoảng 6 triệu m3, cho nên Đồng Tháp đảm bảo cung ứng đủ số lượng cát cho dự án.

Còn theo ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, tỉnh này cam kết sẵn sàng chia sẻ nguồn cát cho các tỉnh không có nguồn.

Đối với Sóc Trăng cũng có nhu cầu sử dụng nguồn cát làm vật liệu xây dựng rất lớn, tuy nhiên, do ở cuối nguồn sông Hậu nên nguồn cát dưới lòng sông thuộc địa phận của tỉnh chất lượng xấu (cát, bùn xen kẽ và lẫn nhiều tạp chất)  không đảm bảo chất lượng làm vật liệu xây dựng.

 Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Thạch Hồng

"Trữ lượng cát biển của Sóc Trăng khá lớn, khoảng 13 tỉ m3 cát, độ mặn không cao. Đây là điều kiện rất lớn nếu được quan tâm khai thác, có thể phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia tại khu vực ĐBSCL.

Sóc Trăng đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ ngành trung ương quan tâm hỗ trợ Sóc Trăng hoàn thành dự án Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL" - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, nguồn cát sông thuộc Sông Hậu qua địa bàn tỉnh và cát biển khá lớn, tuy nhiên, chất lượng cát khá xấu. Ảnh: Thạch Hồng 

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm khẳng định, ĐBSCL có nền đất yếu nên việc thi công nền đường là nhân tố quyết định quan trọng của dự án. Vì thế, việc sử dụng nguồn vật liệu cát để đắp nền là hết sức cần thiết.

"Bộ Giao thông vận tải mong muốn các tỉnh nâng cao trách nhiệm cùng với Bộ và các cơ quan Trung ương để đáp ứng yêu cầu của dự án", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đề nghị.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Quý Kiên cho biết, ĐBSCL hoàn toàn có thể chủ động nguồn cát sông cho các dự án cao tốc, nhất là ở các tỉnh có trữ lượng cát sông dồi dào.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Quý Kiên phát biểu. Ảnh: Thạch Hồng 

"Các Bộ, ngành sẽ tập trung nguồn lực để hỗ trợ cho ĐBSCL giải quyết tình trạng thiếu nguồn cát thực hiện dự án. Các tỉnh trên cơ sở đó rà soát, bổ sung lại, tính toán và kể cả việc xem xét, nâng công suất chủ động báo cáo, đề xuất trữ lượng để cung cấp cho tuyến dọc” - Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn