MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thái Nguyên đẩy mạnh hướng nghiệp việc làm cho người dân tộc thiểu số. Ảnh: Minh Hạnh

Thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động

Đặng Tiến - Bảo Nguyên LDO | 15/11/2023 09:40

Sau các phiên giao dịch việc làm tại các địa phương vùng cao, đồng bào người dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi về lựa chọn việc làm, mang lại thu nhập ổn định.

Số người đi xuất khẩu lao động ở Yên Bái tăng

Anh Mai Văn Thọ, thôn Làng Chạng, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái vừa đi xuất khẩu lao động ngắn hạn ở Hàn Quốc về, chia sẻ, công việc của anh là nuôi bào ngư trên đảo Cheosando, tỉnh Jeolla Nam. Sau 5 tháng đi lao động nước ngoài, anh tiết kiệm được khoảng 120 triệu đồng.

“Quá trình đăng ký tham gia xuất khẩu lao động đến khi sang Hàn Quốc làm việc rồi trở về quê, tôi đều nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các cơ quan chức năng địa phương. Hiện tôi đang chờ đợt tuyển dụng mới để quay lại Hàn Quốc làm việc” - anh Thọ tâm sự.

Còn tại xã Phong Dụ Thượng, vốn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên, người dân tộc thiểu số chiếm hơn 98% dân số, người trong độ tuổi lao động chiếm tỉ lệ rất cao. Để giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, chính quyền địa phương đã phối hợp với các công ty xuất khẩu lao động tuyên truyền cho người dân về việc xuất khẩu lao động.

Chỉ riêng tháng 10.2023, xã có 8 người đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc, 1 người đi xuất khẩu lao động ở Singapore. Người lao động hết hợp đồng có thể xin gia hạn thêm thời gian lao động hoặc trở về quê với số vốn tiết kiệm xây dựng kinh tế gia đình.

“Từ khoản tiền tiết kiệm gần 150 triệu đồng sau nửa năm đi xuất khẩu lao động mùa vụ ở Đài Loan (Trung Quốc) tôi đã đầu tư trồng quế, phấn đấu làm giàu trên mảnh đất quê hương”, anh Triệu Văn La nói và chia sẻ, qua thời gian đi lao động nước ngoài, anh học hỏi được các kỹ năng, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp.

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái, lao động đi làm việc ở nước ngoài được thị trường chấp nhận nhờ sự cần cù, sáng tạo và nắm bắt công việc tốt.

Khoảng 3 năm gần đây, tỉnh Yên Bái có 762 lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng ở các nước như: Đài Loan (Trung Quốc) 255 người, Hàn Quốc 113 người, Nhật Bản 277 người, các thị trường khác 117 người. Thu nhập của người lao động đi làm việc ở nước ngoài tương đối cao, sau khi trừ chi phí, người lao động có thu nhập từ 18 - 38 triệu đồng/tháng.

Nhiều thay đổi về lựa chọn việc làm

Trong khi đó, theo ghi nhận tại huyện vùng cao Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, trước đây phần lớn người dân thu nhập từ trồng ngô và chăn nuôi.

Để giúp người dân tiếp cận đầy đủ hơn với thị trường lao động, huyện đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại địa phương giúp người dân hiểu hơn về nhu cầu tuyển dụng và việc làm tại các khu công nghiệp. Qua đó, đồng bào người dân tộc (phần lớn là người dân tộc Mông) đã có nhiều thay đổi về lựa chọn việc làm.

Ngoài việc được trực tiếp trao đổi, thỏa thuận với doanh nghiệp về công việc, mức lương và các chế độ, chính sách liên quan, người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí thành công với thu nhập ổn định.

Theo ông Hoàng Văn Khình - Trưởng ban Công tác mặt trận xóm Lân Vai, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai - hiện nhiều người trong độ tuổi lao động của địa phương đi làm công nhân ở các khu công nghiệp trong, ngoài tỉnh làm công nhân, với mức lương bình quân 7 triệu đồng/tháng (tương đương khoảng 1 tấn thóc).

Bà Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - chia sẻ, mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ đưa 1.500 - 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mỗi năm. Sau khi kết thúc thời gian đi làm việc ở nước ngoài trở về, đây sẽ là nguồn lực giúp Yên Bái bổ sung đội ngũ lao động có trình độ, kỹ năng nghề, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn