MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều hộ dân ở tỉnh Gia Lai thoát nghèo từ làm nông nghiệp. Ảnh minh họa: UBND tỉnh Gia Lai

Thoát nghèo từ làm nông nghiệp

Thu Giang LDO | 19/11/2023 18:39

Nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, nhiều địa phương trên cả nước đã ứng dụng, sáng tạo ra mô hình sản xuất nông nghiệp, tự vươn lên thoát nghèo.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc Hợp tác xã Cà phê Tân Nông Nguyên (tỉnh Gia Lai), sau thời gian hoạt động, hợp tác xã đã thành công trong việc tuyên truyền, vận động thành viên thay đổi nhận thức về sản xuất, chế biến cà phê nhân đảm bảo các tiêu chí thị trường.

Theo ông Hòa, trong 90ha cà phê của các thành viên, hiện nay, hợp tác xã đã lựa chọn và xây dựng vùng nguyên liệu hơn 30ha cà phê chất lượng cao để đầu tư chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư hệ thống máy móc sơ chế hiện đại đáp ứng yêu cầu của đơn vị thu mua xuất khẩu.

Nhằm tạo động lực để người dân thoát nghèo, ông Dương Mạnh Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) - thông tin, tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho công tác giảm nghèo trong năm 2022 và 2023 của huyện là 77,856 tỉ đồng.

Trong đó, vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững là 10,93 tỉ đồng, vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 39,221 tỉ đồng, vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là 27,705 tỉ đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê nhận định, để phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 8,04% xuống còn 6,04% (trong đó, tỉ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3% năm 2023), huyện Chư Sê đã tập trung triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội.

Trồng cà phê ở tỉnh Gia Lai. Ảnh minh họa: TTXVN

Đặc biệt, những năm gần đây, các hợp tác xã trong huyện cũng đã hướng dẫn thành viên, người dân trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, dần tiếp cận, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất.

Đa số hợp tác xã đã chú trọng đến việc kinh doanh đa ngành nghề, lĩnh vực, hướng đến những sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần tăng trưởng kinh tế hộ gia đình, khu vực nông thôn và tăng trưởng chung của huyện.

Cũng lấy mục tiêu xóa đói giảm nghèo làm nhiệm vụ trung tâm, ông Lê Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) cho rằng, năm 2023, huyện phấn đấu giảm 4 - 4,5% hộ nghèo so với năm 2022.

Huyện Quỳ Châu phấn đấu không còn tình trạng trẻ em không được đến trường, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tham gia bảo hiểm y tế, trên 60% hộ nghèo có nhà ở bán kiên cố.

Đáng chú ý, 90 - 95% hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh và dịch vụ thông tin truyền thông, 100% hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh và có việc làm tại chỗ.

Trong quá trình thực hiện các chương trình giảm nghèo, huyện Quỳ Châu những năm qua cũng đã chú trọng giảm chương trình hỗ trợ trực tiếp, ban hành các chính sách hỗ trợ có điều kiện làm chuyển biến nhận thức và hành động của người dân, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của người dân để xây dựng cuộc sống ấm no.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn