MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hết 3 ngày tết, các gia đình thường làm lễ hóa vàng hay còn gọi là lễ tạ năm mới.

Thời gian và cách chuẩn bị mâm cỗ cúng hóa vàng mùng 3 Tết Kỷ Hợi chuẩn nhất

Bình An LDO | 07/02/2019 08:00
Lễ hóa vàng được tiến hành khi kết thúc Tết Nguyên đán, thường diễn ra vào ngày mồng ba Tết hoặc ngày khai hạ mồng bảy Tết.

Theo quan niệm dân gian của người Việt, ngày 30 Tết, các gia đình sẽ làm mâm cơm tất niên để mời các cụ về ăn Tết. Hết 3 ngày tết, con cháu lại sửa soạn mâm lễ để tổng kết hết tết tiễn ông bà về âm cảnh, đồng thời đón thần tài, thần lộc. Lễ cúng này được gọi là lễ hóa vàng.

Nên cúng lễ hóa vàng vào ngày nào?

Giải thích về tục hóa vàng của người Việt, GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, các cụ ta vẫn có quan niệm người chết không phải là hết.

Chính vì thế, tục đốt vàng mã là hành động mang tính nghi lễ, có cơ sở nhận thức. Tết sẽ bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp. Sau đó, các gia đình đi nhận mộ, mời Tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.

Tiếp đó là lễ cúng Tất niên tại bàn thờ gia tiên chiều 30, cúng đêm giao thừa (sáng mồng 1 của năm mới) và kết thúc bằng lễ hóa vàng để tạm biệt tổ tiên sau những ngày Tết đầm ấm.

Còn theo GS Lê Văn Lan, tục lệ hóa vàng dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vật hoá vàng thường gắn với đời sống thường nhật, để thấy con người ở thế giới bên kia sống gần với dương gian.

Lễ hoá vàng có thể được các gia đình tổ chức từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 5, mùng 7 hoặc mùng 10 âm lịch. Gia đình có nhiều anh em không ở chung nhà có thể làm lễ hoá vàng khác ngày nhau và sắp xếp để người anh lớn nhất hoặc người có cha mẹ ở chung thì làm lễ hoá vàng cuối cùng. 

Theo dân gian, ngày mùng 10 Âm lịch được gọi là ngày vía Thần tài, nên thường các gia đình sẽ tiến hành lễ hóa vàng trước ngày này.

Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng hóa vàng

Lễ vật hóa vàng thường được chuẩn bị giống với đồ lễ cúng gia tiên của gia chủ, thường gồm: Hương, hoa, ngũ quả, vàng mã, đèn, nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét), xôi.

Cùng với đó là mâm cỗ mặn hoặc cỗ chay với các món mang đặc trưng ngày Tết.

Nếu là cỗ mặn thì không thể thiếu con gà trống, bát canh, đĩa xào, giò, hay nem rán. Sau đó, con cháu trong nhà sẽ lễ tạ thần Phật, gia tiên.

Mâm cỗ cúng hóa vàng thường gồm những món ăn truyền thống trong ngày Tết. 

Sau khi lễ, phần tiền vàng của gia thần phải hóa trước rồi mới đến gia tiên để tránh nhầm lẫn.

Theo tục xưa, tại nơi đốt vàng mã, người ta thường đặt hai cây mía dài để làm “đòn gánh” cho vàng cho người ở cõi âm, cũng là vũ khí để xua đuổi  quỷ dữ.

Nhiều người cho rằng càng đốt nhiều vàng mã thì càng thể hiện lòng thành, càng thể hiện lòng thành kính dâng lên tổ tiên.

Về điều này, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng cách hiểu như vậy là hoàn toàn sai.

Việc đốt quá nhiều vàng mã có thể dẫn đến sự lãng phí tiền của một cách không cần thiết, mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường. Điều quan trọng là bàn thờ cần hương khói đầy đủ trong 3 ngày Tết và các nghi lễ khấn cúng được thực hiện với sự kính cẩn của gia chủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn