MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bữa trưa của người lao động TCty Việt Thắng (TPHCM) có thịt bò, trứng thay thế thịt lợn. Ảnh: Nam Dương

Thời thịt lợn tăng giá: Người có thu nhập thấp “thắt ruột” vì lo lắng

Nhóm PV LDO | 19/12/2019 11:27
Từ khoảng 4 tháng nay, giá thịt lợn liên tục tăng cao khiến mức chi tiêu trong bữa cơm gia đình của những đối tượng có thu nhập thấp bị thu hẹp. Đặc biệt, giá thịt lợn tăng cao đã khiến sinh viên nội trú và người lao động tự do - đối tượng có mức thu nhập thấp, bấp bênh nhất đang “thắt ruột” vì lo lắng.

Nghèo nàn bữa ăn của sinh viên, người thu nhập thấp 

Cầm trên tay chiếc bánh dày giò vừa mua, Phương Duy - sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - than thở: “Bánh dày giò chả đã tăng thêm 5.000 đồng, miếng giò lợn lại còn mỏng hơn. Cái gì cũng tăng giá, thì biết sống thế nào!”. Ba tuần qua, Phương Duy đi chợ chỉ mua trứng, đậu hoặc cá, không dám mua thịt lợn vì giá quá cao. “Mặc dù thèm lắm nhưng em không dám mua thịt lợn về ăn” - Duy nói.

Tần ngần trước sạp thịt lợn, bà Nguyễn Thị Ngát (B4 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) bùi ngùi: “Trước đây, chúng tôi không bao giờ mua thịt sấn vì quá nhiều mỡ. Nhưng hiện đây là loại thịt có giá khá ổn chỉ 140.000 đồng/kg, nếu kho với củ cải hoặc rim chung với đậu phụ, cả nhà tôi 5 người có thể ăn được 1 bữa thoải mái”. Bà Ngát cũng cho biết, giá thịt lợn tăng, mỗi tuần bà chỉ dám mua 1-2 lần, các ngày còn lại đan xen trứng, cá, đậu phụ, rau dưa cho đủ tháng. “Vợ chồng tôi nghỉ hưu trước hạn theo diện “1 cục” nên hằng tháng không có lương hưu. 2 con trai mới đi làm, lương chỉ 6-7 triệu đồng/tháng. 14 triệu đồng chi tiêu cho 4 con người trong thời giá leo thang nên rất vất vả” - bà Ngát nói.

Đối với những gia đình công nhân, lao động nghèo có mức thu nhập cả gia đình chỉ 8-10 triệu đồng/tháng, bữa cơm gia đình thực sự là áp lực đối với họ. Anh Lê Văn Ngọc (khu tập thể Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) cho hay: Xe ôm truyền thống hiện nay không thể cạnh tranh được với Grap và các xe ôm công nghệ khác, nên thu nhập của anh giảm đến 1/3. “2 tháng nay, giá thịt lợn tăng cao quá, gia đình cứ quẩn quanh ăn cá diếc, đậu phụ, thịt gà công nghiệp. Hôm nào thèm quá, chúng tôi mua ít thịt vụn hoặc sấn kho với trứng cút. Giá thịt lợn thực sự tác động đến đời sống của người nghèo chúng tôi” - anh Ngọc cho hay.

Tại những hàng cơm bình dân, các chủ quán đã tăng giá thêm từ 5.000-10.000 đồng/suất. Bánh mỳ pate giò chả ở mức 15.000 đồng/chiếc nay tăng giá lên 20.000-25.000 đồng/chiếc; bún đậu đang có giá 25.000 đồng/suất, nay cũng tăng giá lên 30.000-35.000 đồng/suất.

Theo khảo sát, một số căng-tin phục vụ cơm sinh viên ở trường đại học cũng cắt giảm những món có thịt lợn, thêm vào những món cá, rau củ quả để phù hợp với “túi tiền” sinh viên. “Trước đây, trong thực đơn, tôi làm nhiều món về thịt lợn như thịt rang cháy cạnh, thịt kho tàu, thịt rang dừa… Nhưng giờ, tôi chỉ làm mỗi món thịt rang cháy cạnh thôi, thêm vào những món cá như cá nục kho, cá sốt cà chua, cá rán. Thịt lợn tăng kéo theo cả giá giò chả, thậm chí là thịt gà tăng. Mặc dù rất thương sinh viên nhưng chúng tôi vẫn phải tăng giá cơm” - chị Yến, chủ căng-tin phục vụ cơm sinh viên trong ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền - cho biết.

Nhiều trường dự kiến tăng giá suất ăn

Trường tiểu học Hữu nghị Việt - Pháp, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vừa gửi tới các bậc phụ huynh phiếu xin ý kiến về việc tăng mức thu tiền ăn bán trú. Theo đó, mỗi suất ăn dự kiến sẽ tăng khoảng 2.000 đồng, từ 20.000 đồng/suất hiện nay lên 22.000 đồng/suất. Theo nhà trường, từ tháng 10.2019 đến nay, giá thịt lợn - thực phẩm chính dùng trong bữa ăn của học sinh - không ngừng tăng nên nhà trường gặp khó khăn trong việc đảm bảo khẩu phần cho học sinh.

Ngoài Trường tiểu học Hữu nghị Việt - Pháp, tại TP.Hạ Long, còn có một trường nữa cũng đã có đề xuất tăng giá suất ăn bán trú. Hiện, một số trường phục vụ ăn bán trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng tính tới việc tăng giá suất ăn bán trú. Theo bà Vi Bích Hạnh - Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo TP.Hạ Long, các trường đã có báo cáo về đề xuất tăng giá suất ăn bán trú và tại cuộc họp sắp tới với lãnh đạo các trường tiểu học sẽ bàn về vấn đề này.

“Chúng tôi có yêu cầu các trường bàn bạc với các bậc phụ huynh. Sau khi 2 bên thống nhất được mức giá thì trình lên Phòng Giáo dục - Đào tạo để chúng tôi xin ý kiến của lãnh đạo UNBD TP.Hạ Long. Nếu được, việc điều chỉnh tăng giá suất ăn sẽ được triển khai từ đầu học kỳ 2” - bà Hạnh cho hay.

Một số phụ huynh cho rằng, các quán ăn, nhà hàng cũng tăng giá đối với các món ăn liên quan đến thịt lợn thì việc tăng giá suất ăn bán trú cũng là điều dễ hiểu “Tuy nhiên, mức tăng thế nào thì nhà trường và các bậc phụ huynh cần thảo luận kỹ. Hơn nữa, liệu sau này khi giá thịt lợn trở lại bình thường thì giá mỗi suất ăn bán trú có giảm hay vẫn giữ nguyên? - phụ huynh N.T.T (trú tại phường Bạch Đằng, TP.Hạ Long) chia sẻ. 

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Dệt may-Đầu tư-Thương mại Thành Công (TPHCM): Trước tình hình giá thịt lợn tăng liên tục trong thời gian qua, Công đoàn đã đề nghị công ty điều chỉnh giá suất ăn. Và công ty đã quyết định tăng thêm 1.000 đồng/suất kể từ giữa tháng 12.2019. Như vậy, suất ăn bình quân của hơn 4.000 người lao động (NLĐ) tại trụ sở chính của công ty ở TP.Hồ Chí Minh là 17.000 đồng/suất.

Bà Trần Thị Thanh Phượng - Chủ tịch Công đoàn TCty Việt Thắng: Do giá thịt lợn tăng cao liên tục, nên bữa trưa của NLĐ sẽ tăng cường dùng các loại thực phẩm khác như cá, gà, vịt, trứng để thay cho thịt lợn. Còn các bữa đêm và sáng miễn phí thì vẫn giữ nguyên thịt lợn trong các món ăn có dùng thịt.

Ông Lê Trần Thanh Hải - Chủ tịch Công đoàn Công ty May mặc Triple Việt Nam (trụ sở tại huyện Củ Chi, 

TPHCM): Hiện tại, suất ăn của NLĐ trong công ty là 16.500 đồng/suất. Hàng ngày, nhà ăn của công ty thay đổi các loại thực phẩm như thịt bò, gá, cá, trứng, tôm… để NLĐ khỏi ngán. Chúng tôi sẽ xem xét, kiến nghị với công ty để tăng giá suất ăn nếu thị trường thực phẩm tăng giá trong thời gian tới.

Nam Dương (ghi)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn