MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thông tin trên tấm bia đá tại Đền ông Hoàng Bảy thuộc Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây (Lai Châu) được cho là có dấu hiệu xuyên tạc lịch sử. Ảnh: Khu du lịch Cầu kính rồng mây

Thông tin bất ngờ vụ "mọc" thêm Đền ông Hoàng Bảy trong Khu du lịch ở Lai Châu

NHÓM PV LDO | 26/07/2023 10:34

Liên quan đến việc Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây (Lai Châu) xây dựng Đền ông Hoàng Bảy, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai cho rằng, những thông tin đơn vị này cung cấp có dấu hiệu xuyên tạc lịch sử.

Sau khi tiếp nhận thông tin báo chí phản ánh về việc Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây, thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Liên Sơn đã xây dựng Đền ông Hoàng Bảy tại khu vực đỉnh đèo Ô Quy Hồ, thuộc xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai vừa có văn bản đề nghị tỉnh Lai Châu xác minh, làm rõ.

Theo nội dung văn bản, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai nhận thấy, thông tin về ông Hoàng Bảy được Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây đưa ra là không đúng sự thật, có dấu hiệu xuyên tạc lịch sử, tên địa danh, nhân vật Quan Hoàng Bảy, cũng như gốc tích ngôi đền, gây hoang mang trong dư luận.

Do vậy, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu xác minh, làm rõ nội dung thông tin tại Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây (do Công ty cổ phần tập đoàn Hoàng Liên Sơn quản lý) và có biện pháp xử lý cụ thể, kịp thời đối với những tổ chức, cá nhân đưa thông tin sai lệch, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về Di sản văn hóa.

Đền ông Hoàng Bảy tại đỉnh đèo Ô Quy Hồ, Lai Châu. Ảnh: Thanh Bình

Ngày 26.7, trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) khẳng định, Đền ông Hoàng Bảy tại xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, có điển tích rõ ràng, gắn liền với lịch sử, văn hóa.

"Đền ông Hoàng Bảy mới xây dựng tại Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây (Lai Châu) không phải di tích, không chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch" - Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết thêm.

Trước đó, như Báo Lao Động đã thông tin, việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Liên Sơn xây dựng "thêm" ngôi đền ông Hoàng Bảy tại khu du lịch Cầu kính Rồng Mây đã gây nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng đây là hoạt động "buôn thần, bán thánh".

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Huân - Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Liên Sơn cho biết, tại quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2017 của UBND tỉnh Lai Châu đã cho phép công ty xây dựng "khu tâm linh" tại Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây với diện tích 250m2.

Khu tâm linh thuộc Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây được phê duyệt quy hoạch 250m2. Ảnh: Thanh Bình

"Khi chúng tôi đến khu vực này khảo sát, nghiên cứu thì thấy người dân địa phương đã có bát hương thờ ông Hoàng Bảy ở đây từ trước. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã xây dựng khu tâm linh này" - ông Huân nói.

Theo ông Nguyễn Văn Huân, việc xây dựng khu tâm linh là đúng quy định và nằm trong kế hoạch tổng thể của khu du lịch. Còn việc thờ thần linh, thờ ai là vấn đề tự do tín ngưỡng và phù hợp với lịch sử của vùng đất.

Về việc dư luận đặt câu hỏi, đây có phải là dấu hiệu của việc "buôn thần, bán thánh" dưới vỏ bọc tâm linh? Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Liên Sơn cho rằng: "Vé vào tham quan khu du lịch đã bao gồm tham quan các hạng mục trong tổng thể, việc xây dựng Đền ông Hoàng Bảy chỉ để phục vụ nhu cầu tâm linh".

Liên quan đến vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết: "Hiện chúng tôi đã giao cho các đơn vị chuyên môn kiểm tra, xác minh việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Liên Sơn xây dựng Đền ông Hoàng Bảy tại Khu du lịch cầu kính Rồng Mây có phù hợp với quy định hay không" - vị lãnh đạo nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn