MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Tuấn Định (người đứng) cung cấp thông tin cho báo giới. Ảnh: Bảo Thắng

Thông tin gây sốc: Gần 500 hộ gia đình ở các làng nghề Hà Nội không xử lý nước thải

Bảo Thắng LDO | 19/09/2017 14:46

Đó là thông tin được cung cấp tại cuộc họp giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội chiều nay (19.9).

Theo đó, tại cuộc giao ban, ông Lê Tuấn Định – Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã cung cấp kế hoạch triển khai Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Qua khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước, với 1.350 làng nghề, phân bổ theo 8 loại hình sản xuất: Chế biến lương thực, thực phẩm; thủ công, mỹ nghệ; nhuộm, thuộc da; tái chế chất thải; gia công cơ kim khí; sản xuất vật liệu xây dựng; chăn nuôi, giết mổ gia súc; loại hình khác.

Liên quan đến câu chuyện ô nhiễm môi trường tại các cơ sở làng nghề, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã cung cấp con số đáng báo động. Cụ thể, theo cơ quan chức năng, hoạt động sản xuất làng nghề phát sinh ô nhiễm cao, thế nhưng, tại khu vực này hầu như không có công trình xử lý chất thải phù hợp.

Đối với hoạt động xử lý nước thải, có đến 35,6% hộ gia đình (gần 500 hộ) không xử lý, 60% chỉ có hệ thống xử lý thô sơ. Một số công trình nghiên cứu thử nghiệm xử lý nước thải làng nghề đã được triển khai nhưng hiệu quả còn thấp, kém ổn định, các công trình xử lý nước thải tập trung của làng nghề hầu hết chưa được đầu tư, một vài điểm đang đầu tư nhưng chưa thực sự đi vào hoạt động.

Nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2007, không khí ở một số làng nghề có nồng độ bụi vượt đến 6,7 lần giới hạn; các làng nghề cơ khí có nồng độ các kim loại nặng nhiều nơi vượt giới; nồng độ nhiều chất hữu cơ độc rất cao; đặc biệt, nước thải ở các làng nghề có độ ô nhiễm với nhiều chỉ số vượt cả trăm lần.

Với thực trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã xây dựng đề án với nhiều nhóm giải pháp. Đơn cử như nhóm giải pháp về tài chính, đảm bảo phân bổ không dưới 10% tổng kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề của Thủ đô.

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguồn vốn của đề án này được xác định không quá 10% thuộc ngân sách, định hướng xây dựng cơ chế và ưu tiên thu hút các dự án triển khai theo mô hình BO, BOO, BOT, PPP, FDI, xã hội hoá đầu tư 90%.

Được biết, hiện các làng nghề ở Hà Nội thu hút gần 1 triệu lao động, với hơn 700.000 lao động thường xuyên, chiếm hơn 64% tổng số lao động trong độ tuổi của làng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn