MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM chiều 21.12. Ảnh: Anh Nhàn

Thông tuyến tỉnh bảo hiểm y tế: Người bệnh mừng, bệnh viện chịu áp lực

Thanh Chân - Anh Nhàn LDO | 23/12/2020 08:05
Bệnh nhân các tỉnh không cần giấy chuyển tuyến khi điều trị nội trú tại TPHCM vẫn được chi trả 100% bảo hiểm y tế là thông báo mới nhất từ Bảo hiểm xã hội TPHCM. Điều này khiến phần lớn bệnh nhân vui mừng, phấn khởi nhưng các bệnh viện tuyến thành phố lâu nay vốn quá tải nay lại càng lo không đủ nhân lực, vật lực để phục vụ tốt bệnh nhân.

Người bệnh vui mừng

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TPHCM - vừa ký văn bản hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn cuối năm 2020 đầu năm 2021. Theo đó, từ ngày 1.1.2021, bệnh nhân các tỉnh không cần giấy chuyển tuyến khi điều trị nội trú tại TPHCM vẫn được chi trả 100% BHYT. Các trường hợp khám BHYT ngoại trú tại TPHCM cần có giấy chuyển tuyến.

Nếu bệnh nhân tỉnh nhập viện tại các bệnh viện: Chợ Rẫy, Quân y 175, Răng Hàm Mặt Trung ương và Thống Nhất không có giấy chuyển tuyến chỉ được trả 40% BHYT. Các bệnh nhân BHYT cấp cứu hoặc có giấy chuyển tuyến sẽ được thanh toán 100% theo mức quyền lợi.

Khi nghe thông tin này, ông Nguyễn Quốc Việt (50 tuổi, ngụ thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) không giấu được niềm vui. Ông Việt đón xe từ Đồng Nai lên Bệnh viện Ung Bướu (quận Bình Thạnh, TPHCM) khám bệnh chứ không khám tại bệnh viện tỉnh. “Tôi thấy không khoẻ nên lên thẳng TPHCM cho yên tâm. Với tình hình bệnh như lúc này, rất có thể tôi sẽ nhập viện điều trị tại đây. Theo quy định hiện hành, BHYT không thanh toán 100% chi phí. Thời gian tới, những người tỉnh lẻ lên các bệnh viện ở thành phố điều trị nội trú, nếu được BHYT chi trả 100% mà không cần giấy chuyển viện thì rất thuận tiện” - ông Việt nói.

Có bố nằm viện nhiều năm nay, ông Huỳnh Nhật Nam (ngụ TPHCM) thường xuyên ra vào bệnh viện để lấy thuốc, làm giấy tờ thủ tục. Những thủ tục rườm rà ở các cơ sở y tế cũng nhiều lần khiến ông Nam “đau đầu”. “Nếu không cần giấy chuyển tuyến vẫn được hưởng 100% BHYT thì đỡ những thủ tục, gánh nặng nên người bệnh lẫn người nhà. Tôi rất hoan nghênh quy định này. Những gia đình nghèo, điều kiện kinh tế eo hẹp, gặp các bệnh nan y rất cần đến BHYT để trang trải chi phí” - ông Nam chia sẻ.

Bệnh viện tuyến đầu lo ngại quá tải

Mặc dù quy định này hỗ trợ nhiều cho người bệnh nhưng khiến các bệnh viện quá tải khi tâm lý chung, người bệnh các tỉnh đều muốn được thăm khám ở các cơ sở y tế của TPHCM.

Theo đại diện Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, với khoảng 900 giường bệnh hiện có, đơn vị này luôn trong tình trạng quá tải. Mỗi ngày, bệnh viện phải chuyển khoảng 20 bệnh nhân điều trị nội trú sang các bệnh viện khác.

Khi triển khai thông tuyến tỉnh BHYT từ đầu năm 2021, dự kiến lượng bệnh nhân đến bệnh viện điều trị tăng cao khiến đội ngũ y tế gặp nhiều áp lực về nhân lực, vật lực nên rất khó tiếp nhận thêm số bệnh nhân điều trị nội trú.

Tương tự, TS-BS Diệp Bảo Tuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM - cũng bày tỏ nhiều tâm tư trước quy định trên. Ông Tuấn cho rằng, điều này giúp người dân lựa chọn nơi điều trị theo đúng bệnh lý và lòng tin. Tuy vậy, quy định thông tuyến tỉnh BHYT vào đầu năm tới cũng gây nhiều trở ngại cho các bệnh viện đầu ngành.

“Phải nhìn nhận thực tế rằng, y tế cơ sở ở nhiều tỉnh/thành chưa hoàn chỉnh, một số bệnh viện tỉnh cũng chưa tạo dựng được lòng tin cho người bệnh. Quy định mới khi áp dụng có khả năng sẽ tăng áp lực lên các bệnh viện tại TPHCM, Hà Nội và các thành phố lớn. Điều này cũng gây bất lợi cho chính người bệnh khi phải tập trung đông, việc điều trị sẽ bị chậm trễ. Đơn cử như Bệnh viện Ung bướu TPHCM, khi lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh quá đông thì chúng tôi không thể áp dụng những kỹ thuật cao để chữa bệnh cho tất cả” - ông Tuấn nói.

Dẫn chứng số liệu trong nhiều năm qua, ông Diệp Bảo Tuấn cho biết, mỗi ngày Bệnh viện Ung bướu TPHCM tiếp nhận 4.000 bệnh nhân tới khám và 600 lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Trong số bệnh nhân tới khám, 32% sử dụng BHYT. Trong khi đó, 82% bệnh nhân sử dụng BHYT khi điều trị nội trú và 15% trong số này là điều trị trái tuyến. Từ ngày 1.1.2020, những bệnh nhân nội trú trái tuyến tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM sẽ trở thành đúng tuyến.

“Về áp lực chuyên môn thì không có sự thay đổi nhiều vì tất cả đều là bệnh nhân của bệnh viện. Tuy nhiên, điều này sẽ tăng gánh nặng về mặt tài chính cho BHYT. Một điều quan tâm nhất là chúng tôi chưa lường trước được số bệnh nhân sẽ tăng do quy định này. Mỗi năm, Bệnh viện Ung bướu TPHCM tăng khoảng 7% nhưng quy định mới có hiệu lực, con số này có thể tăng cao hơn. Khi cơ sở 2 tại quận 9 đưa vào hoạt động với 1.000 giường bệnh, bệnh viện sẽ có nguồn nhân lực và vật lực dồi dào để có thể đảm đương được những trường hợp quá tải trong khả năng cho phép” - ông Tuấn phân tích.

Dự toán quỹ BHYT năm 2021 chưa được giao cho bệnh viện. Đơn vị sẽ đề đạt với BHXH TPHCM để giải trình những trường hợp tăng quỹ đột biến, do kỹ thuật, số lượng bệnh nhân, kỹ thuật cao…

Thông tuyến tỉnh BHYT dễ gây vượt dự toán

chi khám chữa bệnh

Trước thông báo mới từ Bảo hiểm xã hội TPHCM, Sở Y tế TPHCM lo ngại bệnh nhân ngoại tỉnh đến khám chữa bệnh nhiều ảnh hưởng đến việc cân đối dự toán chi BHYT của thành phố. Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm, số lượt bệnh nhân ngoại tỉnh khám chữa bệnh BHYT tại TPHCM với tỉ lệ 20% tổng lượt khám, chiếm gần 49% tổng chi phí bảo hiểm. Đơn vị này cũng dự đoán quy định thông tuyến này khiến bệnh nhân các tỉnh đổ về các bệnh viện đầu ngành của thành phố, gây quá tải và vượt dự toán chi khám chữa bệnh BHYT địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn