MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Minh bạch hóa nguồn thu công đức và tài chính nhà chùa cần một giải pháp tổng thể. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Thu công đức ở đền, chùa: Thực hiện nghiêm quy định đã đủ minh bạch hóa

ĐỨC THÀNH LDO | 12/10/2019 07:27

Quản lý nguồn thu của nhà chùa để đảm bảo tính minh bạch không phải là câu chuyện chưa được bàn đến. Tuy nhiên, mặc dù các quy định của pháp luật đã được “trang bị” khá đầy đủ song do phương thức quản lý chưa chặt chẽ nên đã dẫn tới những hệ lụy không rõ ràng giữa tài sản cá nhân và tài sản của nhà chùa. Trao đổi với Báo Lao Động, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, không nhất thiết phải tăng thêm tổ chức giám sát mà chỉ cần thực hiện nghiêm quy định đã đủ đảm bảo minh bạch hóa nguồn thu công đức.

Tù mù tiền công đức

Trường hợp nhà sư Thích Thanh Toàn (trước khi hoàn tục là trụ trì chùa Nga Hoàng, tỉnh Vĩnh Phúc) xin hoàn tục và muốn giữ lại khối tài sản ước tính khoảng 200 - 300 tỉ đồng đã khiến dư luận băn khoăn cho rằng, khối tài sản này ở đâu mà có và nếu là tiền công đức của người dân thì ai sẽ là người quản lý và việc quản lý như thế nào?

Cách đây vài năm, nhiều cơ quan báo chí cũng mang cầu hỏi về việc sử dụng nguồn thu từ tiền công đức của các tín đồ Phật giáo được người quản lý tại Chùa Hương (Hà Nội) xử lý như thế nào? Tuy nhiên, rất tiếc thời điểm đó câu trả lời đã không được làm rõ vì “Thầy trụ trì có việc đi vắng”. Bởi đặc thù nhà chùa không phải là doanh nghiệp, cũng không phải là đơn vị có tài khoản, con dấu riêng nên hầu hết các khoản tiền công đức tại nhiều chùa hiện nay sẽ được đứng tên theo tài khoản cá nhân (chủ yếu do các Trụ trì đứng tên - PV). Trong khi đó, sự “tù mù” từ nguồn thu công đức do không được kiếm soát, kiểm toán một cách khoa học đã từng dẫn tới nhiều “hiềm nghi” tại một số chùa diễn ra nhiều năm qua. Chỉ lấy ví dụ từ di tích ông Hoàng Mười (Nghệ An), sau khi UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 18 về tiếp nhận, sử dụng nguồn công đức tại các di tích và thay đổi người quản lý thì số tiền công đức tại đây tăng gấp 10 lần.

Minh bạch để bảo vệ thanh danh chùa

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Trương Minh Hoàng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, nhân sự việc nhà sư Thích Minh Toàn (vốn là trụ trì chùa Nga Hoàng trước khi hoàn tục) xin được sở hữu khối tài sản 200 - 300 tỉ đồng (chưa được làm rõ là tài sản của nhà chùa hay cá nhân - PV), thì không chỉ riêng Phật giáo mà các tôn giáo tín ngưỡng khác cũng nên xem xét để tăng cường tính minh bạch trong quản lý nguồn tài chính, đặc biệt là nguồn thu từ sự tự nguyện đóng góp của những tín đồ tín ngưỡng. “Tôi cho rằng, hiện nay các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ quản lý về mặt tôn giáo, tín ngưỡng cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu phương cách nào để tránh tình trạng xảy ra như vừa rồi. Hoặc là tăng cường sự giám sát của tín đồ, phật tử thì đồng thời các tổ chức tín ngưỡng cũng phải nhận thấy những lỗ hổng trong việc quản lý để tính toán làm sao tăng cường giám sát kiểm tra, có giải pháp để ngăn chặn” - ông Hoàng nói.

Còn ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, phải làm rõ một người tu hành, trụ trì một ngôi chùa dưới sự quản lý của Giáo hội Phật giáo thì có quyền được kinh doanh hay không? Kinh doanh cái gì hay núp bóng kinh doanh chính nhà chùa mà mình đang trụ trì? Như những thông tin tôi tiếp nhận được từ báo chí, có cảm giác hình như hành lang pháp lý trong việc quản lý tài sản, nguồn thu chưa được chặt chẽ và có chiều hướng có lợi nếu người phụ trách có tâm ý khác. Những việc này cần phải được làm rõ và có giải pháp để bảo vệ thanh danh của nhà chùa.

“Rõ ràng chúng ta nhìn thấy những lỗ hổng trong quản lý rất lỏng lẻo, tạo thành những kẽ hở cho các hoạt động không hợp pháp, ví dụ như hành vi “rửa tiền” có cơ hội len lỏi vào. Việc quản lý lỏng lẻo đó là kẽ hở lớn trên cả hai phương diện đó là thu nhập không minh bạch và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Pháp luật cần phải có những điều chỉnh để giải quyết những hiện tượng này” - ông Quốc nhận định.

Trước câu hỏi có nên thành lập cơ quan có nhiệm vụ giám sát tiền công đức hay không (ví dụ như Myanmar có hẳn một Ủy ban Giám sát tiền công đức tại mỗi nhà chùa bao gồm 30 thành viên, có trách nhiệm kiểm tiền công đức vào 22h mỗi ngày và được gửi vào ngân hàng sau đó), ĐBQH Dương Trung Quốc nói: Vấn đề ở đây là việc quản lý chặt chẽ của nhà nước theo đúng quy định thì đã đủ đảm bảo tính minh bạch. Chúng ta đã có những bộ luật liên quan tới tôn giáo, đầy đủ tính pháp lý nhưng vấn đề là phải quản lý chặt chẽ”.

Còn ĐBQH Trương Minh Hoàng thì cho rằng: Việc thành lập phát sinh bất cứ bộ máy nào lúc này cần phải tính toán rất kỹ. Bây giờ chúng ta còn sáp nhập, ghép các thành phần trong bộ máy để tinh giản biên chế, tăng hiệu quả hoạt động của tổ chức. Theo cá nhân tôi không nên thành lập thêm bởi như thế không những không tinh gọn được bộ máy mà còn kéo theo nhiều chi phí phát sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn