MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng ngàn xe cộ kẹt cứng trên đường Mai Chí Thọ (quận 2) hướng về trung tâm thành phố. Ảnh: Minh Quân

Thủ Đức lên thành phố: Cần giải quyết hạ tầng quá tải, kẹt xe triền miên

MINH QUÂN LDO | 14/12/2020 19:03

Thành phố Thủ Đức trực thuộc TPHCM là cửa ngõ giao thông quan trọng không chỉ với TPHCM mà với cả khu vực Đông Nam bộ. Tuy nhiên, các trục đường từ Thành phố Thủ Đức kết nối trung tâm TPHCM và liên kết vùng không chỉ thiếu mà còn đang quá tải trầm trọng.

3 đường chính kết nối trung tâm TPHCM đều tắc

Từ Thành phố Thủ Đức (sáp nhập từ 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức, được chính thức thành lập vào 1.1.2021 tới) vào khu vực trung tâm TPHCM, người dân thường đi theo 3 hướng chính: đi xa lộ Hà Nội qua cầu Sài Gòn vào trung tâm, qua đại lộ Đông Tây theo hầm Thủ Thiêm vào trung tâm hoặc chọn đường xa hơn là Phạm Văn Đồng để về trung tâm.

Theo hướng xa lộ Hà Nội, người đi đường phải khó khăn di chuyển qua ba điểm thường xảy ra ùn tắc tại ngã tư Bình Thái, ngã tư MRK và cầu Rạch Chiếc. Theo anh Nguyễn Văn Bình (quận Thủ Đức), kẹt xe tại khu vực trên liên tục xảy ra vào giờ cao điểm mỗi ngày. Ngoài việc lượng xe đổ dồn vào khu trung tâm TPHCM giờ cao điểm còn bị "thắt cổ chai" ở cầu Rạch Chiếc do làn đường bị thu hẹp. Mặt khác, trên tuyến đường này, các loại xe trọng tải lớn thường xuyên hoạt động và xảy ra nhiều vụ tai nạn gây kẹt xe cục bộ.

Kẹt xe trên xa lộ Hà Nội. Ảnh: Minh Quân

Lựa chọn thứ hai là theo xa lộ Hà Nội rẽ vào đường Mai Chí Thọ, hoặc đi theo 4km đầu cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây ra đường Mai Chí Thọ (quận 2) rồi đi hầm Thủ Thiêm dẫn thẳng vào quận 1. Ngày càng nhiều người đi từ Thành phố Thủ Đức vào trung tâm chọn tuyến đường này để rút ngắn thời gian. Tuy nhiên gần đây, tuyến này khá đông người đi nên cũng thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ.

Tương tự, đi theo đường Phạm Văn Đồng qua cầu Bình Triệu cũng gặp nhiều khó khăn, khi đoạn đường Đinh Bộ Lĩnh trước bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) thường bị ùn tắc. Xe máy, ôtô nối đuôi nhau, chen chúc từ đường Đinh Bộ Lĩnh lên đến cầu Bình Triệu. Mới ra khỏi điểm tắc nghẽn này, người dân lại rơi vào một điểm kẹt nữa ngay giao lộ Đinh Bộ Lĩnh và Bạch Đằng (quận Bình Thạnh).

Thiếu kết nối vùng

Thành phố Thủ Đức là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ như: cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1A, quốc lộ 13, đường Phạm Văn Đồng - quốc lộ 1K,..

Tuy nhiên, hiện nay các tuyến đường này đều quá tải vì lượng phương tiện ngày càng đông. Trong đó, tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, khi thông xe năm 2015, dù rút ngắn được 20 km và 2 giờ xe chạy so với quốc lộ 1A, nhưng do thiếu đồng bộ, nên cũng đã xuất hiện tình trạng ùn tắc cục bộ ở các nút giao và đường dẫn.

Tượng tự, quốc lộ 13 được coi là "xương sống" để nối Bình Dương với TPHCM thì Bình Dương đã mở rộng 6 làn xe, sắp tới chuẩn bị tăng lên 8 làn xe nhưng khi về tới quận Thủ Đức, TPHCM bị "thắt cổ chai" nên hầu như ngày nào xe cũng bị kẹt.

Người dân khốn khổ vì kẹt xe trên quốc lộ 13 qua quận Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Minh Quân

Trong khi đó, dự án Vành đai 2 dài hơn 64 km, có 3 đoạn đi qua Thành phố Thủ Đức gồm: đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa; cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội và từ nút giao Bình Thái qua đường Phạm Văn Đồng đến nay vẫn chưa được khép kín.

Còn đường Vành đai 3 dài hơn 90 km đi qua Long An, TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai, chia làm 4 đoạn. Trong đó đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch qua Thành phố Thủ Đức dài gần 18 km nhưng vẫn còn nằm... trên giấy.

Khu vực ra vào cảng Cát Lái (quận 2) - một trong những "điểm nóng" ùn tắc giao thông tại Thành phố Thủ Đức. Tuy nút giao Mỹ Thủy đã đưa vào khai thác hầm chui và cầu vượt nhưng áp lực giao thông hiện chưa giảm nhiều. Thực tế cho thấy đường Nguyễn Thị Định, đoạn từ nút giao Mỹ Thủy tới cảng Cát Lái, hiện luôn ken đặc xe tải nặng, container... Xung quanh, hàng loạt tuyến đường có kết nối như Đồng Văn Cống, Võ Chí Công..., cảnh kẹt xe cũng thường xuyên xảy ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn