MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Tứ giác vàng" giữa trung tâm Đà Nẵng đang đóng cửa. Ảnh: Thanh Chung

Thu hồi gần 100 lô đất vàng tại Đà Nẵng để thi hành án

Thuỳ Trang - Thanh Chung LDO | 18/05/2022 08:37

Thu hồi gần 100 căn nhà quanh khu vực sân vận động Chi Lăng để thi hành bản án liên quan đến vụ án ông Phạm Công Danh, điều này cũng biến 100 lô đất nằm ngay lõi đô thị, quận trung tâm của Đà Nẵng thành đất hoang. Bởi, sau 12 năm, sân Chi Lăng đến nay vẫn chưa biết số phận sẽ đi về đâu thì những khu đất xung quanh cũng có nguy cơ “nối bước”.

“Tứ giác vàng” thành khu đất chết

Những ngày này, bất kỳ ai khi đi qua khu vực “tứ giác vàng” gồm những con đường Lê Duẩn, Chi Lăng, Hùng Vương, Ngô Gia Tự quanh sân Chi Lăng, quận Hải Châu, Đà Nẵng đều ngoái nhìn, tiếc nuối. Bởi, hơn 1 tháng qua, xe xúc xe tải tới lui nhiều lượt, những ngồi nhà dần được phá bỏ. Các chủ cửa hàng dọn dẹp trả mặt bằng lại cho thành phố để thực hiện việc giải phóng mặt bằng, thi hành bản án liên quan đến ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh khiến khu vực này đổ nát, hoang vắng. Chưa hết, việc tháo dỡ gần 100 ngôi nhà tại đây cũng xảy ra nhiều bất cập khi chỗ thì không được che chắn cẩn thận gây tình trạng khói bụi. Thậm chí có nơi, người dân tháo dỡ tài sản còn gây chập điện, ảnh hưởng cả khu dân cư lân cận.

Anh Nguyễn Hoàng (người dân phường Hải Châu 1, quận Hải Châu,) chia sẻ: “Trước đây khu vực quanh sân Chi Lăng là những cửa hàng quần áo, đồng hồ, giày dép đông đúc người ra vào. Còn nay, đi qua khu vực này chỉ còn lại những xác nhà. Những người không biết chuyện còn giật mình ngơ ngác, đứng nhìn mãi vì tiếc. Mặt bằng ở đây giá cao lắm, gọi là khu “tứ giác vàng” mà”.

Trước đó, từ đầu tháng 4.2022, UBND quận Hải Châu đã vận động và yêu cầu các hộ dân đang thuê mặt bằng xung quanh sân vận động Chi Lăng khẩn trương tháo dỡ, trả mặt bằng để bàn giao cho Cục Thi hành án dân sự thành phố để xử lý, thi hành án bản án liên quan đến ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh. 

Hiện nay, thông báo của Cục Thi hành án dân sự TP.Đà Nẵng được dán lên các căn nhà thuộc diện thu hồi quanh sân vận động Chi Lăng. Chỉ còn vài hộ dân do chưa đồng thuận với việc giải toả đền bù nên chưa đi, còn lại gần 100 căn nhà giờ chỉ còn mỗi xác thô.  

Sinh sống trên con đường đối diện khu “tứ giác vàng” mấy chục năm nay, bà Nguyễn Thị Minh Liễu (trú phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) cũng tặc lưỡi tiếc nuối: “Từ ngày người dân tháo dỡ, di chuyển đi nơi khác thì khu vực này chẳng khác nào như thành phố chết. Bình thường dù chẳng hay qua lại hỏi han nhưng cả con đường sáng đèn điện nhộn nhịp vẫn vui hơn là bây giờ, cứ chiều tối nhìn sang là tối đen. Rồi chưa kể mỗi mặt bằng ở khu vực này có giá vài chục triệu chứ có ít đâu. Biết là thi hành án, đất dính đến sai phạm nhưng nghĩ đến tiền của, đất đai bị bỏ hoang thì ai mà không xót”.

Địa phương đau đầu tìm phương án quản lý trật tự, mỹ quan

Sân vận động Chi Lăng ở quận Hải Châu có diện tích 6ha, nằm trên khu đất 4 mặt tiền đường Lê Duẩn - Chi Lăng - Ngô Gia Tự - Hùng Vương. Trước đây, địa điểm này được các cổ động viên ví như một "chảo lửa". Năm 2010, chính quyền Đà Nẵng giao sân vận động này cho Tập đoàn Thiên Thanh làm dự án khu phức hợp, thương mại với giá 1.400 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi được giao đất, chủ đầu tư đã "xẻ thịt" sân Chi Lăng thành 14 lô đất. Ông Phạm Công Danh, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh, đem 14 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này để thế chấp ở các ngân hàng.

Đến tháng 7.2014, ông Phạm Công Danh bị bắt để điều tra về nhiều tội danh. Sân vận động Chi Lăng và các khu nhà xung quanh trở thành tài sản liên quan vụ đại án. Sân Chi Lăng bị bỏ hoang từ đó. Nay, việc các hộ dân trả mặt bằng khiến địa phương cũng đau đầu trong việc quản lý.

Ông Nguyễn Văn Duy - Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, về các vấn đề tháo dỡ, đập bỏ các xác nhà cũng như việc xảy ra tình trạng chập cháy điện ở khu vực quanh sân Chi Lăng, quận đã xử phạt và đình chỉ đơn vị gây ra sự cố, đồng thời yêu cầu người dân dừng các hoạt động triệt hạ.

“Vấn đề lớn hiện nay là việc quản lý an ninh trật tự và mỹ quan khu vực này. Về nguyên tắc, khu đất nằm trong lõi đô thị, nhiều xác nhà như vậy sẽ là điểm tiềm ẩn các vấn đề về môi trường, an ninh. Quận cũng đau đầu vì nếu quản lý không tốt thì dễ gây mất trật tự, mỹ quan. Chỉ riêng việc trời mưa gió, bụi bay, tường sập thì địa phương cũng mất ăn mất ngủ, nhưng cũng phải cẩn trọng vì đây là tài sản thu hồi, bàn giao cho bên thi hành án. Quận đã báo cáo thành phố xin chủ trương để đảm an ninh trật tự và cảnh quan khu vực này. Hiện quận và Cục thi hành án đang phối hợp, khảo sát để tìm phương án dọn sạch mặt bằng, rào lại để tạo cảnh quan chung” - ông Duy cho hay.

Trong khi đó, về số phận của sân Chi Lăng và những khu đất xung quanh, đại diện Tập đoàn Thiên Thanh cho biết, tập đoàn và các nhà đầu tư đã đề nghị đơn vị thi hành án xin ý kiến của Tổng cục Thi hành án về việc quản lý, tránh tình trạng nhếch nhác tại khu vực dự án, tạo cảnh quan thông thoáng cho Đà Nẵng. Tuy nhiên phía thi hành án cho biết phải tuân thủ theo quyết định toà án và biên bản trước đây bàn giao mặt bằng sạch nên họ vẫn phải làm và chấp nhận một thời gian nữa khi các bên thoả thuận xong , quyết định đường hướng, lối ra của Trung ương thì mới tính tiếp được. Như vậy, câu hỏi bao giờ sân Chi Lăng cũng như hàng nghìn m2 đất vàng giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng có số phận mới vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn