MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Quốc tế. Ảnh: MQ

Thu hút nhân tài tại TPHCM: Tránh tình trạng “trên trải thảm, dưới là đinh”

THẾ LÂM - MINH QUÂN LDO | 06/03/2018 07:36
Đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ (gọi chung là Đề án thu hút nhân tài) tại TPHCM đưa ra mức hỗ trợ từ 80-100 triệu đồng/người cũng như các ưu đãi về thưởng, lương, tiền thuê nhà ở…, nhưng trong hội nghị phản biện do Ủy ban MTTQVN TP tổ chức ngày 5.3, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, cần tháo gỡ nhiều thủ tục hành chính và sự ràng buộc nhiều hơn nữa.

Cần chính sách, chế độ ưu đãi như thế nào?

GS-TS Nguyễn Ngọc Giao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TPHCM - nêu thẳng một số ưu đãi cần thiết để thu hút nhân tài: Chính sách nhập cư, hộ khẩu của TPHCM cần ưu tiên người có trình độ cao; không nên phân biệt đối xử giữa nhà khoa học trong nước và ngoài nước; ngoài lương cần có thêm các chính sách hỗ trợ về nhà ở, đi lại…; nên định kỳ có khen thưởng để khuyến khích v.v… Cùng quan điểm này, TS Trương Minh Huy Vũ (ĐH Quốc gia TPHCM) kiến nghị cần có thêm những ưu đãi, hỗ trợ ngoài lương, như bảo hiểm, chăm sóc y tế. Cũng theo TS Vũ, việc chọn người tài nên đánh giá họ phù hợp với vị trí công việc nào để bố trí làm việc và phát huy khả năng. Bởi trên thực tế, không phải cứ GS, TS là có thể làm tốt công việc của một trưởng phòng.

Điểm bất hợp lý được nhiều ý kiến cùng “lên tiếng” đề nghị chỉnh sửa đó là hợp đồng thời hạn 18 tháng thu hút nhân tài tham gia vào các dự án, công trình. TS Trương Thị Hiền bày tỏ: “Hợp đồng 18 tháng như vậy là ngắn, gây tâm lý e ngại, những chuyên gia đã có vị trí, công việc ổn định sẽ không cảm thấy hứng thú”.

Theo TS Hiền, thời hạn hợp đồng cần 5 năm. Trong khi đó theo ông Đoàn Kiên Thành - Giám đốc Trung tâm Sáng tạo công nghệ trẻ TPHCM - đối với những sinh viên mới ra trường thời hạn 18 tháng họ sẽ thấy phù hợp vì làm một thời gian có thể kiếm công việc khác có môi trường làm việc tốt và thu nhập hấp dẫn hơn, nhưng khi họ làm được một thời gian ngắn mà ra đi thì các ưu đãi cũng giống như bị “thất thoát”.

Một câu hỏi được PGS-TS Đặng Văn Phan - Chủ tịch Hội Địa lý TPHCM - đặt ra gây băn khoăn: Hết 18 tháng rồi thì việc sử dụng các nhân tài tiếp tục như thế nào? GS Chu Phạm Ngọc Sơn bổ sung: Người trẻ ở nước ngoài hay đang làm việc ở trong nước rất khó mà tự dưng bỏ việc về làm cho thành phố 18 tháng rồi không rõ sau đó làm gì.

Theo PGS Đặng Văn Phan, việc thu hút nhân tài cần có sự nuôi dưỡng từ giai đoạn sinh viên đại học chứ không thể chỉ “hái” khi họ đã trở thành GS, TS, bởi như vậy sẽ khó có nguồn bền vững cho tương lai.

PGS Phan Thị Tươi đóng góp ý kiến. Ảnh: MQ

Tình trạng “dưới thảm là đinh”

PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM - cho rằng, đối với nhiều chuyên gia và nhà khoa học, chế độ lương không phải là vấn đề quan trọng nhất. Thứ họ quan tâm hàng đầu chính là môi trường làm việc để họ được tự do đóng góp và cống hiến. Điều thứ hai, chính là hạn chế những sự ràng buộc khiến họ cảm thấy không thoải mái, khó chịu và mất tự do, trong đó thủ tục hành chính là yếu tố dễ gây ra vấn đề này.

“Thủ tục hành chính rườm rà chính là thứ mà các chuyên gia Việt kiều dị ứng nhất” - GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc Sở KHCN TPHCM - cho biết. Về tình trạng này, PGS-TS Phan Thị Tươi - nguyên Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa TPHCM - cũng bày tỏ thẳng: “Những chuyên gia, nhà khoa học có vị trí, địa vị mà bắt họ làm đơn xin, rồi dự hai vòng sơ tuyển là khó rồi. Nếu là tôi thì tôi cũng không cảm thấy hứng thú”.

GS Nguyễn Ngọc Giao cảnh báo: “Thu hút nhân tài thì mình cần người ta chứ không phải người ta cần mình. Đừng để xảy ra tình trạng nói là “trải thảm đỏ” nhưng “dưới thảm là đinh”. Thủ tục hành chính rườm rà chính là những cái đinh đáng sợ”.

Theo dự thảo Đề án, ngay sau khi được tuyển chọn, chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ được trợ cấp ban đầu từ 80 - 100 triệu đồng.

Để khuyến khích nghiên cứu khoa học, công nghệ, ngoài các thù lao theo quy định và chế độ hỗ trợ về nhà ở, TPHCM còn có thêm mức phụ cấp 1% tổng kinh phí ngân sách chi cho công trình nghiên cứu, từ mức 50 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/người/công trình nghiên cứu. Với công trình có nhiều chuyên gia, nhà khoa học tham gia, tổng phụ cấp cho tổ chuyên gia lên đến 1,5 tỉ đồng.

Nhân tài còn được hưởng phần lợi nhuận từ kết quả thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Thời hạn ký hợp đồng lao động căn cứ theo thời hạn thực hiện của công trình, đề án, dự án, kế hoạch được giao, tối đa không quá 18 tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn