MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thủ khoa gác chuyện du học, về miền đất nắng trồng giống bắp "lạ"

Thiều Trang LDO | 03/01/2022 15:16

Gác chuyện du học trời Tây, thủ khoa 9x ngành bảo vệ thực vật Trường Đại học Nông Lâm TPHCM Nguyễn Phan Ngọc Anh quyết định về quê cùng chị gái Nguyễn Phan Thanh Thủy khởi nghiệp với giống bắp nữ hoàng đỏ. Nhờ cách làm đúng và mang lại hiệu quả, dự án mang tên "Sắc tím trên miền đất nắng" của hai chị em đã vinh dự nhận giải Ba cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2021, do Trung ương Đoàn phát động.

This browser does not support the video element.

Thủ khoa gác chuyện du học, về quê Ninh Thuận trồng giống bắp "lạ". Video: Thiều Trang

Gác chuyện du học trời Tây, về quê trồng giống bắp "lạ"

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nắng hạn Ninh Thuận, thấu hiểu sự khó khăn vất vả của người dân nên cô gái Nguyễn Phan Ngọc Anh (sinh năm 1992) lúc nào cũng trăn trở về với quê hương. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành bảo vệ thực vật Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, Ngọc Anh tạm gác lại việc du học và trở về quê hương chọn hướng đi mới.

Xuất phát từ niềm đam mê tìm hiểu các nông sản mới, năm 2020, Ngọc Anh đã sử dụng thử sản phẩm bắp nữ hoàng đỏ được phân phối tại TPHCM.

Cảm thấy giá trị của sản phẩm đem lại cho người tiêu dùng rất lớn như màu sắc hấp dẫn, vị ngọt thanh mát và đặc biệt còn có chất anthocyanin có khả năng ngăn ngừa ung thư, Ngọc Anh quyết định phối hợp với chị gái Nguyễn Phan Thanh Thủy trồng thử nghiệm 50 hạt giống bắp nữ hoàng đỏ tại nhà, cây sinh trưởng tốt và cho bắp to.

Tháng 1 năm 2021, Ngọc Anh quyết định trồng trên diện tích 100m2 và bán online cho bạn bè; đồng thời, nghiên cứu quy trình phù hợp cho giống bắp này.

Giống bắp nữ hoàng đỏ có sắc tím đẹp mắt. Ảnh: NVCC

Đến nay, diện tích bắp nữ hoàng đỏ của Ngọc Anh đã mở rộng lên 2.000 m2 và sản phẩm bắp tươi được lên kệ trong hệ thống siêu thị ở Ninh Thuận và một số nơi khác.

Hai chị em Ngọc Anh và Thanh Thủy cũng hướng dẫn các nông hộ tham gia trồng theo thời vụ. Đến nay, đã có 7 hộ nông dân tham gia mở rộng diện tích trồng bắp nữ hoàng đỏ với tổng diện tích trên 5 ha.

Thủ khoa gác chuyện du học, về quê Ninh Thuận trồng giống bắp “lạ“. Ảnh: NVCC

Khát khao xây dựng thương hiệu bắp nữ hoàng đỏ trên miền đất nắng Ninh Thuận 

Theo Ngọc Anh, giống bắp nữ hoàng đỏ mang lại giá trị và lợi ích cộng đồng rất lớn. Theo đó, tỉ suất lợi nhuận cao, tăng hơn 30% so với sản xuất đại trà, không yêu cầu vốn cao, dễ thực hiện và nhân rộng. Do thời gian sinh trưởng ngắn khoảng 2 tháng nên bắp nữ hoàng đỏ được trồng quanh năm, bình quân 1 năm khoảng 5 vụ. Hiện bắp nữ hoàng đỏ được bán với giá rất cao, lên đến 15.000 - 17.000 đồng/bắp, cung không đủ cầu.

Giống bắp nữ hoàng đỏ giàu chất dinh dưỡng, giá trị kinh tế cao. Ảnh: NVCC

"Tuy là giống bắp mới nhưng kỹ thuật gieo trồng rất đơn giản, kỹ thuật trồng bắp nữ hoàng đỏ không khác gì so với các giống bắp khác đang sản xuất tại Ninh Thuận. Đặc biệt, giống bắp này còn có khả năng kháng bệnh cao hơn, ít bị bệnh sọc lá.

Bắp nữ hoàng đỏ là sản phẩm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ - chứa nhiều sắc tố anthocyanin có ích cho sức khỏe. Đây là hợp chất màu hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên, thuộc nhóm flavonoid.

Theo các nghiên cứu khoa học, anthocyanin là hợp chất có nhiều hoạt tính sinh học quý như khả năng chống oxy hóa cao, tăng cường sức đề kháng, có tác dụng làm bền thành mạch, chống viêm, hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư, tác dụng chống các tia phóng xạ,…" - Ngọc Anh chia sẻ.

Nhờ cách làm đúng và mang lại hiệu quả, dự án khởi nghiệp với bắp nữ hoàng đỏ mang tên "Sắc tím trên miền đất nắng" của Ngọc Anh và Thanh Thủy đã vinh dự nhận giải Ba cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2021, do Trung ương Đoàn phát động.

Trong tương lai, Ngọc Anh hy vọng đưa thương hiệu bắp nữ hoàng đỏ trên miền đất nắng Ninh Thuận đến với du khách quốc tế.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, Ngọc Anh và Thanh Thủy cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chế biến từ bắp nữ hoàng đỏ như: bột bắp sấy lạnh, trà thảo mộc, sữa chua nữ hoàng, bắp ngâm rượu, cấp đông,… Đồng thời, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Đà Lạt, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM.

Đặc biệt, hai chị em Ngọc Anh, Thanh Thủy dự định sẽ phát triển du lịch sinh thái và kết hợp với giáo dục thế hệ trẻ về nền nông nghiệp hiện đại; nỗ lực đưa thương hiệu bắp nữ hoàng đỏ trên miền đất nắng Ninh Thuận đến với du khách quốc tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn