MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án Trường THPT Vũ Duy Thanh (huyện Yên Khánh, Ninh Bình) nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được HĐND tỉnh Ninh Bình thông qua nhưng đến nay vẫn chưa được giải ngân. Ảnh: Diệu Anh

Thu ngân sách giảm, giải ngân vốn đầu tư công tại Ninh Bình gặp khó khăn

DIỆU ANH LDO | 26/09/2023 17:18

Ninh Bình - Tính đến đầu tháng 9.2023, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đạt trên 7,6 nghìn tỉ đồng, đạt 42,2% dự toán HĐND tỉnh Ninh Bình giao và chỉ bằng 67,2% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này đã ảnh hưởng đến việc bố trí, giải ngân nguồn vốn cho các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, từ đầu năm 2023 đến nay, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, thách thức. Một số doanh nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tiếp tục chịu ảnh hưởng bất lợi của nền kinh tế, do vậy, số thuế phát sinh thấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp xây dựng có doanh thu thấp, số thuế phát sinh phải nộp giảm, điều này đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của tỉnh Ninh Bình đạt tỉ lệ thấp so với dự toán.

Tính đến đầu tháng 9.2023, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được 7.624,8 tỉ đồng, đạt 42,2% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 67,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa không kể tiền sử dụng đất đạt 7.090,1 tỉ đồng, đạt 47,1% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 69% so với cùng kỳ và thu tiền sử dụng đất đạt 534,7 tỉ đồng, đạt 17,8% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 49,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Việc thu ngân sách bị sụt giảm đã ảnh hưởng đến việc bố trí nguồn vốn và giải ngân cho các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công do Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Ninh Bình là 6.450 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 1.427 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương là 5.023 tỉ đồng. Đến nay, tỉnh Ninh Bình tỉnh Ninh Bình mới chỉ giải ngân ước đạt 3.091 tỉ đồng, bằng 47,9% kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương ước đạt 570 tỉ đồng, bằng 39,9% kế hoạch và vốn cân đối ngân sách địa phương ước đạt 2.521 tỉ đồng.

Một số dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công đã được phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa được giải ngân vốn hoặc giải ngân chậm, đặc biệt là đối với các dự án sử dụng nguồn vốn từ ngân sách địa phương.

Nguyên nhân được xác định là do nguồn thu ngân sách của tỉnh Ninh Bình bị sụt giảm, công tác chuẩn bị của một số dự án chưa tốt, chất lượng chưa cao, chưa lường trước hết các vấn đề phát sinh khi triển khai thực hiện các bước tiếp theo của dự án, dẫn đến việc sau khi dự án được phê duyệt chủ trương, phê duyệt dự án và tiến hành triển khai các bước tiếp theo gặp nhiều vướng mắc, phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án.

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng của một số dự án trọng tâm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do công tác quy hoạch, xây dựng khu tái định cư mất nhiều thời gian dẫn đến bố trí cho người dân vào nơi ở mới chậm.

Công tác xác định giá bồi thường đối với đất ở tại một số vị trí, khu vực còn gặp khó khăn do giá thực tế chưa có để so sánh, áp dụng. Quy trình thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa mất nhiều thời gian, nhất là đối với diện tích trên 10ha, thuộc thẩm quyền của Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ.

Trước thực trạng trên, tỉnh Ninh Bình đã thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đối với các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Bình do ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình làm Tổ trưởng để thường xuyên theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện. Kịp thời chỉ đạo hoặc tổ chức các hội nghị chuyên đề để giải quyết những khó khăn, vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục, quy trình thực hiện. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nghiệm thu, thanh toán kế hoạch vốn được giao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn