MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thu nhập hàng tháng của công chức sau khi lùi cải cách tiền lương

QUỲNH CHI LDO | 15/11/2021 18:25

Trong phiên họp bế mạc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, trong đó quyết nghị lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương

2 năm qua, dịch COVID-19 đã tác động hết sức nghiêm trọng đến kinh tế xã hội. Dịch bệnh không chỉ tác động đến chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh, đời sống, mà còn phải chi nhiều ngân sách cho công tác phòng chống dịch. 

Do đó, tháng 7.2022, cả nước vẫn chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 Trung ương 7 Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo Nghị quyết 27 Trung ương 7 Khóa XII, cơ cấu bảng lương mới của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Còn theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 được thông qua ngày 12.11.2019, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1.7.2020.

Với việc Quốc hội lần thứ hai, lùi cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 (lần đầu quyết định lùi hạn thực hiện lộ trình là vào kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV - PV), mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và lương hưu vẫn giữ nguyên 1,49 triệu đồng/tháng như mức áp dụng từ năm 2019, chưa tăng lên 1,6 triệu đồng.

Như vậy, trong năm 2022, lương cán bộ, công chức vẫn được tính theo công thức gồm lương cơ sở 1,49 triệu đồng nhân với hệ số hiện hưởng.

Ngoài lương, cán bộ, công chức còn được hưởng một số phụ cấp kèm theo tùy mỗi chức danh, lĩnh vực (phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp khu vực…).

Bên cạnh đó, lương công chức ở các vị trí việc làm khác nhau còn được tính theo ngạch/bậc cụ thể. Theo quy định, hiện nay, mức lương của công chức giữ chức danh chuyên gia cao cấp là cao nhất, tương đương với lương Bộ trưởng.

Cụ thể, chuyên gia cao cấp có 3 hệ số lương 8.80, 9.40 và 10.00, tương ứng với 3 bậc nhân với lương cơ sở 1,49 triệu có mức lương lần lượt là: 13,112 triệu; 14,006 triệu và 14,9 triệu đồng/tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn