MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều nơi đã lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng, nhưng tỉ lệ phương tiện sử dụng dịch vụ chưa đạt được như kỳ vọng. Ảnh: ĐT

Thu phí tự động không dừng: Mới có 50% phương tiện sử dụng dịch vụ

Đặng Tiến - Hà Anh Chiến LDO | 09/01/2021 08:51

Thu phí không dừng giúp các nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng giám sát, quản lý và lưu vết từng giao dịch của phương tiện đồng thời đảm bảo lưu thông không dừng của phương tiện qua trạm thu phí với tỉ lệ chính xác cao. Tuy nhiên, đến nay sau 1 tuần thực hiện đồng bộ tại các trạm thu phí BOT, mới chỉ có khoảng 50% số chủ phương tiện sử dụng dịch vụ này.

Mức tăng không như kỳ vọng

Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) - ông Tô Nam Toàn, sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng sẽ giúp chủ phương tiện không phải dừng lại mua vé chờ thanh toán, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nhiên liệu, giữ được tốc độ lưu thông ổn định, lưu thông nhanh hơn, qua đó giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn. Đồng thời, sẽ giúp xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về giao thông, đồng bộ hoá các dịch vụ quản lý đô thị và giao thông thông minh, công khai, minh bạch, tránh thất thoát trong thu phí BOT và đặc biệt giảm thanh toán bằng tiền mặt.

Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, việc Bộ GTVT áp dụng hệ thống thu phí tự động không dừng trên toàn quốc được xem là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình công nghệ hóa hoạt động quản lý, vận hành giao thông tại Việt Nam.

Tuy nhiên trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hồ Trọng Vinh - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho biết - hiện tỉ lệ dán thẻ không dừng đã tăng nhưng mức tăng không như kỳ vọng. Theo thống kê cả nước mới có khoảng trên 1 triệu phương tiện dán thẻ thu phí không dừng, trong tổng số hơn 3,5 triệu ôtô đang lưu hành trên cả nước (chiếm gần 30%). Trong đó có khoảng gần 50% phương tiện đã dán thẻ thường xuyên sử dụng.

Nguyên nhân được ông Vinh chỉ ra là do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn lớn, dẫn tới chủ phương tiện chưa quen với việc dán thẻ và thanh toán qua tài khoản. Một nguyên nhân khác là nhiều lái xe còn e dè do lo ngại việc dán thẻ đồng nghĩa với việc xe ôtô sẽ bị định vị, dù thực tế việc dán thẻ hoàn toàn không có tính năng định vị. “Thói quen của người dân và công tác tuyên truyền chưa được sâu rộng do đó ngoài việc tăng cường tuyên tuyền cũng cần phải xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm” - ông Hồ Trọng Vinh nhấn mạnh.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy việc dán thẻ thu phí không dừng, từ cấm phương tiện dừng đỗ quá 5 phút, đến việc xử phạt phương tiện chưa dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng. Đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết, trong thời gian tới sẽ thực hiện xử lý phạt sai làn đối với phương tiện không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng. Bởi các điều kiện căn cứ pháp lý và các hệ thống biển báo đã có đầy đủ. Cùng với đó, đến thời điểm này tài khoản giao thông của hai nhà cung cấp dịch vụ đã kết nối với các ví điện tử và tài khoản tại các ngân hàng, giải quyết được lo lắng đọng tiền trong tài khoản của chủ phương tiện. Vấn đề hiện nay là cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết cách nạp tiền sử dụng dịch vụ.

Nhiều trạm vẫn chưa thể triển khai

Tại Đồng Nai, ngoài trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai (trên quốc lộ 1), Trạm thu phí BOT quốc lộ 20 và Trạm thu phí BOT quốc lộ 1K đã tạm dừng hoạt động hiện vẫn còn các trạm đang triển khai thu phí BOT như quốc lộ 51, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và trạm thu phí tỉnh lộ 768.

Theo ghi nhận thực tế của PV báo Lao Động ngày 8.1, tại trạm thu phí BOT tỉnh lộ 768 đặt trên đường Đồng Khởi, TP.Biên Hoà (Đồng Nai), đoạn gần cây xăng 26 có 2 làn thu phí chiều từ TP.Biên Hoà đi huyện Vĩnh Cửu và 2 làn thu phí từ hướng ngược lại. Tuy nhiên, cả 4 làn thu phí này đều “xả cửa” từ đầu năm 2021, mặc dù vẫn có nhân viên túc trực tại trạm. Nhiều tài xế cũng “ngỡ ngàng” đứng trước cabin thu phí một lúc rồi mới dời đi. Theo tìm hiểu, BOT tỉnh lộ 768 có 5 trạm thu phí đặt tại huyện Vĩnh Cửu và TP.Biên Hoà chạy dọc theo tuyến đường 768. Dự án BOT tỉnh lộ 768 nối TP.Biên Hoà và huyện Vĩnh Cửu dài khoảng 16km, do Công ty CP Sonadezi Châu Đức làm chủ đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (hình thức hợp đồng BOT).

Ngày 8.1, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đinh Ngọc Thuận - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sonadezi - cho biết: Hiện nay việc triển khai trạm thu phí không dừng tại dự án BOT 768 đang gặp nhiều khó khăn do chi phí để xây dựng một trạm là quá lớn, chiếm tới 30% chi phí đầu tư. Cụ thể, ông Thuận lý giải để xây dựng 1 làn thu phí không dừng cần chi phí khoảng 5 tỉ đồng. Do đó, 1 trạm thu phí ít nhất cần xây dựng 2 làn thu phí không dừng ở 2 hướng. Trong khi đó, hiện nay dự án BOT 768 có tới 5 trạm thu phí, việc xây dựng là rất tốn kém. Chưa kể tới một số trạm thu phí hiện hữu chỉ có 1 làn thu phí thủ công, việc triển khai xây dựng thu phí không dừng còn “đội” vốn lên.

Ông Thuận cho biết thêm, hiện tại các trạm thu phí trên tỉnh lộ 768 đều đang “xả cửa” chờ phương án mới từ UBND tỉnh Đồng Nai. “Chúng tôi đã trình bày vấn đề này với UBND tỉnh Đồng Nai và đang chờ phương án mới” - ông Thuận nói.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Bôn - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai - đã cho biết, việc triển khai trạm thu phí không dừng trên BOT tỉnh lộ 768 vẫn đang thẩm định và đang chờ rà soát lại. H.A.C

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn