MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm BOT Bắc Giang. Ảnh: Hải Nguyễn

Thu phí tự động không dừng: Vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ

Đặng Tiến LDO | 26/06/2020 14:46

Thu phí tự động không dừng giúp minh bạch trong việc thu phí mà còn giảm chi phí nhân lực, thời gian thu phí tại các trạm BOT. Tại Việt Nam, sau nhiều năm triển khai, mặc dù nhiều trạm đã có làn thu phí không dừng nhưng tỉ lệ người dùng dịch vụ vẫn còn rất thấp. Nguyên nhân do đâu?

Người dân vẫn quen dùng tiền mặt

Mục đích chính của các trạm thu phí tự động không dừng nhằm để minh bạch các khoản thu.

Nhưng đến thời điểm này vẫn còn nhiều trạm thu phí BOT vẫn chưa thể thực hiện thu phí tự động không dừng. Cụ thể, tại trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, cửa ngõ của thủ đô Hà Nội, lưu lượng phương tiện qua trạm lớn nhất cả nước.

Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 1/10 lượng xe qua trạm có gắn thẻ Etag (thu phí tự động) nhưng vẫn phải trả phí theo hình thức thủ công.

Theo ông Phạm Văn Khôi - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ,  sau 2 tuần triển khai thực hiện thu phí BOT không dừng (từ 10.6.2020) toàn tuyến Pháp Vân - Ninh Bình mọi việc diễn ra tốt, lượng chủ xe dán thẻ đã tăng lên và công tác vận hành cũng ổn định. Nhưng hiện vẫn nhiều lái xe chưa thực hiện việc thu phí tự động không dừng.

Ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động tại tuyến Pháp Vân - Ninh Bình, tuy đã triển khai nhưng rất nhiều chủ xe vẫn dùng thẻ khi qua trạm với lý do không quen dùng thẻ. Nguyên nhân chính do thói quen dùng tiền mặt của người dân nên chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng thẻ.

Theo đại diện Vidifi, khó khăn lớn nhất là các đối tượng thụ hưởng tham gia ít vì thói quen dùng tiền mặt của người dân và sự liên kết, liên thông giữa các trạm ETC và việc lái xe đi nhầm làn đường vẫn xảy ra phổ biến, do đó việc triển khai thu phí tự động không dừng chưa cao.

Đại diện Bộ GTVT cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong việc hoàn thành ETC trong năm 2020 chính là việc triển khai ở VEC. Đơn vị này sở hữu 34 trạm với 242 làn, chiếm 30% tổng số làn phải triển khai thu phí tự động không dừng nhưng hiện VEC mới triển khai lắp đặt được 15 làn. Thậm chí, hiện nhà đầu tư BOT tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ hoàn thành lắp thiết bị, chạy thử nghiệm chỉ chờ kết nối liên thông với tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình của VEC, nhưng VEC vẫn chưa xong. Nguyên nhân chính là dự án của VEC vay vốn ODA, đến nay hiện hiệp định vay vốn đã kết thúc và do VEC đã chuyển về Uỷ ban quản lý vốn nhà nước, dẫn tới việc triển khai cũng khó khăn hơn.

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC - ông Hồ Trọng Vinh - cho biết, đến nay, dù VETC đã cơ bản lắp đặt xong thiết bị tại 40 trạm, nhưng mới có 17/44 trạm ký được phụ lục hợp đồng dịch vụ.

Nguyên nhân chính khiến dự án vẫn chậm tiến độ do gặp nhiều khó khăn trong đàm phán ký phụ lục hợp đồng cung cấp dịch vụ thu phí không dừng.

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ gấp

Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ, môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục ĐBVN) - ông Tô Nam Toàn, có nhiều khó khăn, vướng mắc mà nguyên nhân chính do hình thức thu phí tự động không dừng rất mới với Việt Nam.

Mới về cả công nghệ, mô hình quản lý và hình thức triển khai. Điều này dẫn đến khi đưa vào triển khai có một số vấn đề chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến bất cập đòi hỏi phải tháo gỡ. 

Theo Vụ trưởng Vụ Đối tác công - ông Lê Kim Thành - Bộ GTVT đã thành lập tổ thực hiện dự án, xây dựng lộ trình và các mốc tiến độ để đảm bảo mục tiêu dự án hoàn thành trong năm 2020. Một nguyên nhân nữa khiến dự án chậm tiến độ do Viettel không thành lập được doanh nghiệp dự án vì vướng quy định và liên danh các nhà đầu tư chưa thống nhất tỉ lệ góp vốn. Hiện liên danh nhà đầu tư thống nhất Viettel nắm tỉ lệ góp vốn 86% và dự kiến đầu tháng 6 sẽ thành lập doanh nghiệp dự án để triển khai các công việc tiếp theo, đảm bảo dự án hoàn thành tiến độ.

GS-TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên Trường Đại học GTVT - cho rằng, triển khai thu phí tự động không dừng là giải pháp tối ưu đã minh bạch hóa thu phí hoàn vốn BOT. Nhưng một khi các biện pháp này không nhận được sự chung tay hưởng ứng của các chủ xe, các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục đơn độc thì khó đạt được mục tiêu này. 

Giám đốc Công ty BOT 36.71 - ông Nguyễn Trung Dũng - cho hay, hiện chúng tôi đã lắp đặt xong và đang chờ nhà thu phí dịch vụ và hiện đang chờ Tổng cục Đường bộ chỉ định nhà đấu nối nào. Khó khăn nhất hiện nay là việc thương thảo hợp đồng giữa các bên và tỉ lệ % nhưng chưa đi đến kết luận. Cũng theo ông Dũng, nếu triển khai nhanh thì sẽ hoàn thành trong năm 2020.

* Theo Quyết định 19/2020/QĐ-TTg, chậm nhất đến ngày 31.12.2020, các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đang hoạt động chưa lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng, phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng.

* Qua tính toán, việc áp dụng thu phí không dừng giúp giảm thời gian thu phí, giảm tiêu thụ nhiên liệu cho phương tiện nhờ duy trì tốc độ trên đường với mức quy đổi nếu áp dụng trên toàn quốc vào khoảng hơn 3.000 tỉ đồng mỗi năm. Đ.T

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn