MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thử thách Momo: Bức tượng ám ảnh hàng nghìn trẻ em đã bị "khai tử"

Phan Anh LDO | 04/03/2019 10:52
Người tạo ra bức tượng "Momo" gây ám ảnh trên YouTube thời gian qua cho biết, anh đã vứt bức tượng vì nó đã mục nát.

Nguốn gốc Momo

Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh sợ hãi khi phát hiện con bị tấn công tinh thần, đe dọa và yêu cầu thực hiện thử thách nguy hiểm đến tính mạng bởi nhân vật ảo Momo.

Thử thách Momo lan truyền trên mạng hướng đến trẻ em khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Nhân vật búp bê Momo hay cụ thể là "Thử thách Momo" (Momo Challenge) được cho là trào lưu đến từ nước Anh từ tháng 8.2018. Trong các đoạn video "Thử thách Momo", nhân vật Momo là một người phụ nữ đầu người thân gà có mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi như zombie sẽ có những lời nói hướng dẫn người xem cách tự tử hoặc tự làm hại bản thân. 

Ban đầu, Momo chỉ là một tác phẩm điêu khắc mang tính nghệ thuật của nghệ sĩ Nhật Bản Keisuke Aisawa. Vào tháng 8.2016, tại triển lãm nghệ thuật chủ đề "Ghost Gallery" tại Ginza, tác phẩm này được trưng bày.

Nghệ sĩ điêu khắc người Nhật Bản Keisuke Aisawa không thể tưởng tượng được một trong những tác phẩm điêu khắc mà anh tâm đắc nhất, từng gây tiếng vang lớn khi trưng bày tại Phòng triển lãm Vanilla tại Tokyo năm 2016, lại trở thành “công cụ” cho một trào lưu khủng khiếp, độc hại và gây ám ảnh nhất.

"Cha đẻ" chính thức khai tử bức tượng

Được biết, sau khi bị kẻ xấu lợi dụng tác phẩm nghệ thuật của mình, Keisuke đã nhận rất nhiều lời đe dọa, chửi bới. Thậm chí một nữ nghệ sĩ khác ở Nhật Bản gần đây đã bị nhầm là tác giả của Momo và nhận những lời đe dọa.

Vì tác phẩm điêu khắc có tên “Chim mẹ”, nghệ sĩ Nhật Bản Keisuke Aisawa đã phải chịu nhiều lời chửi bới, đe dọa.

Aiso nói rằng bản thân cảm thấy có trách nhiệm khi hình ảnh của Momo được dùng để hù dọa mọi người trong trào lưu "Thử thách Momo".

Theo The Sun, Keisuke cho biết anh đã vứt bỏ tác phẩm điêu khắc của mình, vốn được làm từ cao su và dầu tự nhiên, vào mùa thu 2018.

"Nó đã mục nát rồi nên tôi đã vứt nó đi. Mọi người, những đứa trẻ giờ có thể yên tâm bởi Momo đã chết và lời nguyền sẽ biến mất", Keisuke Aisawa nói.

Tuy nhiên, Keisuke cũng cho biết, dù có nhiều tiêu cực xoay quanh tác phẩm của mình, tuy nhiên anh vẫn vui mừng khi tác phẩm được biết đến rộng rãi: "Bản thân tôi có một chút mâu thuẫn. Những thứ tiêu cực đang xảy ra khiến tôi cảm thấy buồn bực, song là một nghệ sĩ, tôi cũng có chút phấn khích khi đứa con tinh thần phổ biến trên khắp thế giới".

Momo thực sự đã "chết"?

Tuy bức tượng Momo đã được chủ nhân vứt đi, nhưng vấn nạn kiểm duyệt trên YouTube vẫn có thể đe dọa trẻ nhỏ. Biên tập viên Keza MacDonald chia sẻ trên Guardian, rất nhiều video khác trên YouTube Kids với những lời khuyên tự sát được chèn ngẫu nhiên vào video như một “trò đùa”.

Bên cạnh đó, nhiều video nhái Peppa Pig và các series hoạt hình nổi tiếng có chứa nội dung hướng dẫn trẻ tự sát hoặc có cảnh bạo lực máu me đã được phát hiện trên YouTube. Đáng ngạc nhiên hơn, YouTube để lọt các video này và không giới hạn độ tuổi. 

Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam khuyên phụ huynh nên quan tâm đến con nhiều hơn.

Trao đổi với PV lao động, chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam - giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, ĐH Quốc gia Hà Nội - đưa ra cảnh báo cho phụ huynh rằng những trò chơi bệnh hoạn được nghĩ ra thể hiện bản năng, thu hút sự chú ý của người khác về bản thân. Kể cả người sáng lập cũng có những suy nghĩ điên rồ là “thanh lọc thế giới”. Bản chất cũng chỉ muốn thu hút sự chú ý của người khác vào họ.

Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam cho rằng: "Cách thức ứng xử của cha mẹ trong quá trình giáo dục là phải tăng lòng tự trọng của các con, phải động viên những đặc điểm tích cực để con phát huy thông qua các hoạt động trò chơi bổ ích.

Bản thân giáo viên và cha mẹ càng ngày càng phải ý thức hơn về những tổn thương sức khỏe tinh thần của con cái".

"Phải tìm sự giúp đỡ chuyên nghiệp, bởi vì khi có dấu hiệu trầm cảm, lo lắng thì không thể tư duy như người bình thường được. Những em trong giai đoạn đó dễ bị dụ dỗ bởi những người điều hành website chuyên trị hướng dẫn trò chơi bệnh hoạn, gây hại cho các em", chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn