MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hai máy chạy thận hiện đại (1,2 tỉ đồng/cái) cấp về cho Bệnh viện đa khoa Chân Mây (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) nhưng "đắp chiếu" từ 8 năm nay.

Thừa Thiên Huế: Lãng phí trong mua sắm thiết bị y tế

PHÚC ĐẠT LDO | 21/10/2022 13:52

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 1 trong 8 đơn vị thuộc Bộ Y tế vừa bị "bêu tên" vì lãng phí trong việc mua sắm trang thiết bị y tế.

Đoàn Giám sát của Quốc hội vừa có báo cáo kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” gửi Quốc hội.

Đoàn Giám sát đánh giá việc đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, đầu tư, mua sắm, quản lý, khai thác trang thiết bị y tế, đầu tư các dự án bệnh viện, cơ sở y tế còn nhiều tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí, không hiệu quả.

Việc thổi giá thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị chưa đượcxử lý kịp thời. Nhiều trang thiết bị hiện đại "đắp chiếu" nhiều năm tại một số cơ sở y tế.

Báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu một số vụ việc lãng phí nổi cộm trong giai đoạn 2016-2021, trong đó có liên quan đến một bệnh viện trên địa bàn Thừa Thiên Huế.

Theo đó, năm 2011, Bệnh viện đa khoa Chân Mây (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) đi vào hoạt động sau gần 10 năm khởi công, xây dựng. Bệnh viện được trang cấp nhiều trang thiết bị y tế hiện đại có trị giá đầu tư hàng chục tỉ đồng bằng ngân sách, như: máy chạy thận, máy chụp X-quang, máy siêu âm, chẩn đoán hình ảnh… có 2 máy chạy thận nhân tạo do Đức sản xuất, trị giá mỗi máy hơn 1,2 tỉ đồng “đắp chiếu” nằm kho trong 8 năm qua.

Bệnh viện đa khoa Chân Mây - nơi  lãng phí nhiều thiết bị y tế.

Theo đó, 2 máy chạy thận này được trang cấp về cho Bệnh viện đa khoa Chân Mây từ thời ông Nguyễn Dung còn làm Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế (khoảng năm 2014).

Sau khi ông Nguyễn Dung chuyển công tác, ông Nguyễn Nam Hùng làm Giám đốc Sở Y tế, rồi đến giám đốc đương nhiệm là ông Trần Kiêm Hảo.

Qua 3 đời Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế, 2 máy chạy thận nhân tạo cấp về cho Bệnh viện đa khoa Chân Mây vẫn trong tình trạng bỏ phí, nằm kho rất nhiều năm, không có phương án sử dụng, vận hành cụ thể.

Ông Ngô Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Phú Lộc phụ trách cơ sở 2, cho biết, khi còn làm Giám đốc Bệnh viện đa khoa Chân Mây, ông Hoàng Văn Thám cũng từng đề xuất điều chuyển máy chạy thận đến cơ sở y tế khác để tránh lãng phí.

Nguyên nhân 2 máy chạy thận tiền tỉ nằm kho trong 8 năm qua là do bệnh viện đa khoa trước đây, cũng như cơ sở 2 về sau, không đủ năng lực, điều kiện cả về cơ sở vật chất lẫn nhân lực để vận hành, sử dụng thiết bị y tế hiện đại và đắt tiền này.

Trong khuôn viên bệnh viện cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: PĐ

Ngày 21.10, trao đổi với Lao Động, ông Trần Kiêm Hảo - Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế cho biết, trước khi ông về nhận công tác, 2 máy chạy thận đã có ở các nhiệm kỳ trước.

"Trước đây sở đã nhận được phản ánh về thực trang trên, sở đã có khảo sát, thiết bị bị hỏng hóc đã tiến hành làm thủ tục sửa chữa. Hiện, đơn vị đang cử người đi học để về vận hành để mong muốn đưa vào sử dụng để tránh lãng phí", ông Hảo chia sẻ.

Cùng ngày, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, từ khi bắt đầu dịch COVID-19, UBND tỉnh này đã chỉ đạo rà soát lại tất cả các điều kiện, cơ sở vật chất ở Bệnh viện đa khoa Chân Mây. 

"Để tránh tình trạng lãng phí trang thiết bị, hiện nay, tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Y tế, Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc phải khôi phục lại hiệu quả của Bệnh viện đa khoa Chân Mây để đưa vào phục vụ khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn", ông Bình nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn