MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại TP.Cần Thơ

Hải Minh LDO | 25/08/2022 18:27
Cần Thơ - Tại TP.Cần Thơ, tùy từng vùng, từng vụ, tỉ lệ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa sẽ khác nhau.

Tại hội thảo “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp Hiệp hội Nông nghiệp Đức, Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế và các đơn vị có liên quan tổ chức tại TP.Cần Thơ, nhiều ý kiến cho rằng, ​cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã được ngành chú trọng thực hiện.

Tại TP.Cần Thơ hiện nay, tùy từng vùng, từng vụ, tỉ lệ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa sẽ khác nhau. Các khâu chủ yếu trong sản xuất lúa (làm đất, bơm tưới) đã được cơ giới hóa hoàn thông qua các tổ, nhóm dịch vụ cộng đồng. Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, bơm tưới đáp ứng 100% nhu cầu. Một số nơi nông dân ứng dụng công nghệ laser san phẳng mặt ruộng. Tỷ lệ diện tích áp dụng cơ giới hóa khâu gieo sạ đạt trên 95%.

Trên địa bàn Cần Thơ đã có 24 tổ kỹ thuật ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất trồng trọt, hoạt động chủ yếu của các tổ kỹ thuật là dịch vụ bơm tưới, làm đất và thu hoạch bằng cơ giới.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa trên địa bàn thành phố cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nông dân trong giai đoạn hiện nay.

Trên địa bàn Cần Thơ đã có 24 tổ kỹ thuật ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất trồng trọt. Ảnh: TL

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, phát triển cơ giới hoá nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản là nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng nông sản, phát triển bền vững, tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.

Mức độ cơ giới hoá ở một số khâu trong một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã đạt tỷ lệ khá cao, như trồng trọt đạt 70-100%, chăn nuôi đạt 55-90% ở nhiều khâu. Hiện cả nước có khoảng 7.803 doanh nghiệp cơ khí, 271 tổ chức nghiên cứu khoa học và 538.700 lao động thuần cơ khí, trong đó có gần 20.000 cán bộ kỹ thuật được đào tạo chính quy. Có 4.028 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết với 1.867 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn, từ sự tăng trưởng, cơ giới hóa nông nghiệp đã giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ; thúc đẩy liên kết sản xuất doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân và hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn như: dịch vụ làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy khô, cho thuê kho bảo quản.

Cả nước đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ, lẻ, hộ gia đình. Một số ngành hàng có công nghệ, thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm khu vực và thế giới như: Công nghệ chế biến hạt điều, chế biến lúa gạo, tôm, cá tra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn