MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, Kon Tum đạt nhiều thành tựu về nông nghiệp. Ảnh T.T

Thực hiện NQ 124 Quốc Hội, ngành nông nghiệp Kon Tum đẩy mạnh tái cơ cấu

THANH TUẤN LDO | 27/09/2021 16:27

Thực hiện Nghị quyết 124/2020/QH14; chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong giai đoạn 2013 - 2020, ngành Nông nghiệp tỉnh Kon Tum đã nỗ lực, tích cực triển khai nhiều giải pháp để cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao giá trị và phát triển theo hướng bền vững.

Phát triển chuỗi liên kết sản xuất

Thời gian qua, ngành nông nghiệp của tỉnh Kon Tum đã có những chuyến biến quan trọng với tốc độ tăng trưởng toàn ngành duy trì ở mức khá, bình quân khoảng 5,1%/năm. Đặc biệt, quá trình triển khai tái cơ cấu đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong phát triển sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường xây dựng chuỗi liên kết giá trị… 

Đến nay, toàn tỉnh Kon Tum có tổng diện tích cây trồng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao khoảng hơn 8.000ha. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành và đưa vào hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen (huyện Kon Plông) và đang hoàn thiện Đề án thành lập Khu nông nghiệp công nghệ cao Đăk Hà và thành phố Kon Tum trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông dân Kon Tum phấn khởi vì thu lợi nhuận cao. Ảnh T.T

UBND tỉnh Kon Tum đã công nhận 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông và huyện Đăk Hà và 2 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao là Công ty TNHH Việt Khang Nông (huyện Kon Plông) và Công ty TNHH sản xuất chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát (huyện Đăk Hà). Đây là 2 doanh nghiệp đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ tự động hóa sản xuất rau, hoa, củ, quả an toàn; cây ăn quả.

Toàn tỉnh đã xây dựng được 7 cánh đồng lớn với 4 loại cây trồng là cà phê, mía, ngô sinh khối, lúa nước theo mô hình liên kết sản xuất. Thông qua liên kết sản xuất cánh đồng lớn, các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã được doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào bằng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo định mức, quy trình sản xuất. Sản phẩm được thu mua lại theo giá thị trường và theo giá bảo hiểm mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân.

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, tỉnh Kon Tum chú trọng thu hút và khuyến khích nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dược liệu. Đến nay, toàn tỉnh có 8 nhà máy chế biến tinh bột sắn, 10 nhà máy chế biến cao su, 1 nhà máy chế biến mía đường, 5 nhà máy chế biến cà phê và nhiều cơ sở nhỏ, lẻ, hộ gia đình.

Phát triển vùng nguyên liệu bền vững

Các cơ sở chế biến cơ bản tiêu thụ hết vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, người dân, các doanh nghiệp cũng đầu tư trang thiết bị máy móc, sân phơi, xây dựng lò sấy cà phê để chế biến sản phẩm, ứng dụng mô hình nhà kính trong nông nghiệp để nâng cao chất lượng nông sản.

Trong sản xuất, ngành nông nghiệp chú trọng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn như thâm canh cao su, cà phê, lúa, ngô, rau, hoa, cá…Thông qua việc thực hiện các mô hình khuyến nông đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của dân, từng bước đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu kinh tế.

Các loại rau hoa xứ lạnh có giá trị kinh tế cao được khảo nghiệm cho thấy đều phù hợp với điều kiện tự nhiên ở huyện Kon Plông. Việc khảo nghiệm và thí điểm mô hình rau hoa xứ lạnh thành công đã mở ra hướng đi cho sản phẩm hàng hóa này ở địa phương. Hiện nay, nhiều dự án của tổ chức, cá nhân đang triển khai tại huyện Kon Plông theo quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt với diện tích gần 30 ha. Để phát triển sâm Ngọc Linh thành sản phẩm hàng hóa chủ lực mang thương hiệu quốc gia, tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, đồng thời nghiên cứu phương thức và giá cho thuê rừng để thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển sâm.

Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Kon Tum còn được triển khai gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, các ngành, các địa phương đã chủ động huy động, bố trí lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh tế hộ. Đồng thời, các địa phương cũng chủ động triển khai có hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà không cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như: Tiêu chí môi trường, tiêu chí về xóa đói giảm nghèo, tiêu chí về hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, tiêu chí về xây dựng thôn, làng văn hóa...

Nhờ đó, đến nay, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã đạt 14 tiêu chí, với 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 6 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu và 6 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Trên lĩnh vực nông thôn, đầu tư hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với việc xúc tiến thương mại để hỗ trợ khôi phục, phát triển ngành nghề truyền thống; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất ở các làng nghề; hiện đại hóa công nghệ xử lý chất thải, kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn