MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người lo lắng hệ sinh thái biển ở Khu Bảo tồn biển Hòn Mun bị hủy hoại do sự tác động tiêu cực từ đánh bắt thủy sản trái phép.

Thực hư chuyện đánh bắt trái phép, phá hoại rạn san hô Hòn Mun

Hữu Long LDO | 09/06/2022 14:13

Khánh Hòa - Trước thông tin về việc hệ sinh thái biển ở Khu Bảo tồn biển Hòn Mun ở vịnh Nha Trang bị phá hoại do sự tác động tiêu cực từ đánh bắt thủy sản trái phép, đơn vị quản lý đã có phản hồi.

Ngày 9.6, Ban Quản lý Vịnh Nha Trang cho biết vừa có báo cáo gửi UBND TP.Nha Trang liên quan đến thông tin trên mạng xã hội xung quanh Khu Bảo tồn biển Hòn Mun bị xâm hại do tác động của con người.

Trước đó vào ngày 1.6, một tài khoản trên mạng xã hội có đăng tải thông tin liên quan đến việc suy giảm hệ sinh thái biển ở Khu Bảo tồn biển Hòn Mun.

Trong đó, tài khoản này có nêu: “Hơn một năm rưỡi mình quay lại lặn ở Hòn Mun kể từ tháng 10.2020. Những tưởng phải nhìn thấy biển hồi sinh và đẹp, phong phú hơn trước dịch nhiều lần. Nhưng không! Dưới đáy biển giờ tan hoang, không còn những đàn cá, không còn nhiều san hô, hải quỳ và tất nhiên không còn nhiều sinh vật biển... Đáy biển đen ngòm, xơ xác.”

Một số trang mạng xã hội phản ánh hệ suy thái biển Hòn Mun bị suy giảm. Ảnh Nguyen Son

Cũng có thông tin nhận định, hệ sinh thái rạn san hô tại Hòn Mun suy giảm nghiêm trọng, nguyên nhân duy nhất từ phía các cơ quan làm công tác bảo tồn biển.

Qua xác minh, Ban Quản lý Vịnh Nha Trang cho rằng, đây là nhận định phiến diện, dễ gây hiểu lầm bởi, sự suy thái rạn san hô là kết quả bởi nhiều yếu tố tác động.

Trong đó các yếu tố như tăng nhiệt độ toàn cầu, mưa bão, sự bùng phát của các loài địch hại là các yếu tố ảnh hưởng rất nặng đến sức khỏe hệ sinh thái. Tuy nhiên, các yếu tố trên lại mang tính khách quan, toàn cầu, rất khó kiểm soát, điều chỉnh.

Đối với nhận định tại Khu Bảo tồn biển Hòn Mun có hành vi “bán bãi”, “đánh bắt tuyệt diệt”, Ban quản lý Vịnh Nha Trang cho biết,  đơn vị xử lý triệt để tất cả các hành vi không được phép thực hiện trong Khu bảo tồn biển; tuyệt đối không có chủ trương bao che; bất cứ cá nhân, tập thể nào khi sai phạm đều phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Thông tin về việc suy giảm sự đa dạng sinh học ở Khu Bảo tồn biển Hòn Mun khiến dư luận lo lắng. Ảnh Nguyen Son

Dẫn chứng trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Đội tuần tra đã ngăn chặn khoảng 49 trường hợp khai thác trái phép trong đó 38 trường hợp câu dắt mực…

Liên quan đến hình ảnh minh họa trên một số trang mạng xã hội, Ban Quản lý Vịnh Nha Trang cho rằng những trang này đã sao chép trên internet, phản ánh không thực tế.

Hình ảnh đăng trong bài viết là một trường hợp xâm phạm vùng nước cấm khai thác thủy sản trong Khu Bảo tồn biển Hòn Mun, đã được Ban quản lý lập biên bản xử lý vi phạm, tham mưu văn bản trình UBND TP.Nha Trang vào tháng 5.2022 về việc đề nghị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Theo Ban quản lý Vịnh Nha Trang, để rút ngắn thời gian phục hồi (ước tính phải 10 năm) trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các công tác bảo tồn biển; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, nhằm phát huy các nguồn lực, nâng cao nhận thức, khả năng của xã hội trong việc bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị vịnh Nha Trang.

Khu bảo tồn biển Hòn Mun nằm trong Vịnh Nha Trang bao gồm các đảo như Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Vung, Hòn Rơm, Hòn Nọc và vùng nước xung quanh. Diện tích khoảng 160km² bao gồm khoảng 38 km² mặt đất và khoảng 122 km² vùng nước xung quanh các đảo.

Từ năm 2001, Khu bảo tồn biển Hòn Mun - dự án bảo tồn biển đầu tiên ở Việt Nam chính thức ra đời. Dự án do Bộ Thủy sản, UBND tỉnh Khánh Hòa và IUCN – Tổ chức bảo tồn thiên nhiên Thế giới thực hiện. Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu thông qua Ngân hàng thế giới; Chính phủ Hoàng Gia Đan Mạch thông qua DANIDA và IUCN – Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới tài trợ, cùng với vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam.

Hòn Mun nổi tiếng bởi vẻ đẹp tuyệt dưới đáy biển. Nơi đây còn được ví như chốn thủy cung bởi hệ thống rạn sang hồ tuyệt đẹp, đa màu sắc như san hô như san hô đỏ, san hô sừng nai… đến cảnh “sinh hoạt” sống động của những thần dân công chúa thủy tề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn