MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khoa dược - Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Hải Nguyễn

Thuốc bảo hiểm y tế chậm cập nhật, người bệnh thiệt thòi

Nhóm PV LDO | 14/10/2023 06:33

Đã 5 năm kể từ năm 2018 đến nay, danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế (BHYT) chưa được cập nhật, bổ sung các thuốc mới một cách tổng thể. Điều này gây ảnh hưởng đến quyền lợi điều trị, ảnh hưởng đến “túi tiền” của bệnh nhân cũng như công tác chuyên môn, điều trị, kê đơn thuốc của bác sĩ.

Chi phí ngoài bảo hiểm y tế vẫn là gánh nặng

Bệnh nhân Nguyễn Thu Hiền (tên nhân vật đã được thay đổi) đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) được hưởng bảo hiểm y tế 100%, nhưng mỗi lần đi khám lại tốn không ít cho các chi phí ngoài bảo hiểm y tế. Tay cầm sổ khám và một loạt đơn thuốc được bác sĩ kê thêm, bà Hiền bức xúc cho biết hầu như lần nào bà cũng phải mua thêm ở nhà thuốc bệnh viện.

Bà Lê Kim Phượng (59 tuổi, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) bị bệnh hở van tim và tiểu đường đã gần 5 năm. Hằng tháng, bà đi xe ôm xuống Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ để khám bệnh, lấy thuốc, mỗi lượt xe đi về mất 150.000 đồng. Tuy nhiên, điều mà bà Phượng trăn trở không chỉ có tiền xe di chuyển mà còn là tiền thuốc mua thêm bên ngoài (dù có tham gia BHYT).

Ngồi đợi lấy thuốc BHYT, bà Phượng kể: “Nhà tôi làm lúa, 3-4 tháng mới kiếm được hơn chục triệu tiền lời. Tôi lâm bệnh, nhà gom góp mua BHYT nhưng mấy tháng nay cứ mỗi đợt lấy thuốc tôi phải mất thêm hơn 500.000 đồng, khó khăn lắm".

Được biết, hiện nay gia đình bà Phượng 3 người sử dụng thẻ BHYT. Bà mua với giá hơn 900.000 đồng/năm; chồng bà, mua với giá hơn 850.000 đồng; người cháu đang làm thủ tục tham gia BHYT cho lần tiếp theo.

“Tôi mong muốn cơ quan, đơn vị sẽ xem xét thêm nhiều loại thuốc vào danh mục được cấp BHYT, trong đó có thuốc tiểu đường, chứ tiền bảo hiểm thì ngày càng tăng, tiền mua thuốc thì không giảm, nông dân như tôi chỉ biết than trời” - bà Phượng cho hay.

Bệnh nhân nhận thuốc BHYT tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Ảnh: Phong Linh

Không có bảo hiểm y tế, bệnh nhân khó lòng tiếp cận

Không chỉ có bệnh nhân chịu thiệt, chính các bác sĩ cũng bị ảnh hưởng khi danh mục thuốc BHYT chậm cập nhật. Chia sẻ với phóng viên Lao Động, một lãnh đạo Bệnh viện K thừa nhận: "Trong điều trị ung thư, thường phải điều trị thời gian dài, kiên trì, hơn nữa trên thế giới liên tục cập nhật các phác đồ điều trị mới, thuốc mới có hiệu quả cao. Nhưng những loại thuốc đó thường rất đắt đỏ, không phải bệnh nhân nào cũng có điều kiện sử dụng. Khi áp dụng điều trị bằng các loại thuốc mới, chúng tôi rất hy vọng thuốc đó được BHYT thanh toán, để giúp người bệnh giảm gánh nặng".

Ông Huỳnh Minh Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - thì thông tin: Sau dịch COVID-19, đối với công tác khám điều trị ngoại trú, có những giai đoạn bệnh viện thật sự khó khăn khi quy trình đấu thầu thuốc chưa kịp cung ứng đủ danh mục để điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bác sĩ phải tuân thủ quy định kê đơn thuốc, đảm bảo nguyên tắc an toàn cho người bệnh. Trường hợp vượt quá phạm vi chuyên môn, bác sĩ điều trị hội chẩn cùng lãnh đạo khoa Khám bệnh và lãnh đạo của chuyên khoa.

“Thuận lợi của việc khám bệnh, kê đơn thuốc cho bệnh nhân có BHYT là có thể trình cấp quản lý trực tiếp để giải quyết nhanh một số nhóm bệnh đặc thù chuyên khoa (khi danh mục thuốc đấu thầu hết); có quy trình kê đơn ngoại trú; có đủ danh mục thuốc thiết yếu, cần thiết để kê đơn; có sự hỗ trợ chuyên môn từ đồng nghiệp; người dân đến khám bệnh với niềm tin vào bệnh viện, vào đội ngũ y bác sĩ.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp khó khăn khi danh mục thuốc thầu hết, bác sĩ chuyển tuyến trên thì một số bệnh nhân không đồng thuận, một số bệnh nhân thì lại yêu cầu bác sĩ kê đơn toa thuốc ngoài BHYT. Trường hợp này, bác sĩ trực tiếp điều trị giải thích bệnh nhân, khi bệnh nhân hiểu thì sẽ ký cam kết đồng ý kê đơn ngoài danh mục BHYT.

Ngoài ra, rào cản trong các quy định về thanh toán BHYT, thực hiện theo hướng dẫn của thuốc, có một số bệnh lý cấp tính đôi khi cần cho thuốc nhưng lại vướng với chẩn đoán thuốc đang điều trị mãn tính” - ông Phú thông tin. Đây cũng là những lý do khiến BHYT chưa phát huy hết hiệu quả, vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu, cũng như chia sẻ gánh nặng cho gia đình các bệnh nhân khi không may gặp phải ốm đau, bệnh tật.

Thuốc bảo hiểm y tế chậm cập nhật
Hiện nay tại Việt Nam có 95% giường bệnh thuộc các cơ sở công lập, người bệnh tiếp cận thuốc mới chủ yếu thông qua các cơ sở khám chữa bệnh công lập và được chi trả bởi bảo hiểm y tế. Việc người bệnh đang mất lòng tin vào các thuốc do bảo hiểm y tế chi trả, một trong những lý do là danh mục thuốc BHYT chậm cập nhật mới. Kể từ 2018 đến nay, danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT chưa được cập nhật, bổ sung các thuốc mới một cách tổng thể từ Thông tư 30/2018/TT-BYT.

Lần cập nhật gần nhất ở Thông tư 20/2022/TT-BYT chỉ bổ sung danh mục thuốc điều trị COVID-19 chứ không hề cập nhật các loại thuốc mới.

Theo đúng quy trình, các thuốc mới cần được đưa vào danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT và từ đó đưa vào các đợt đấu thầu của bệnh viện. Khi đó người bệnh mới có cơ hội tiếp cận thông qua sử dụng thẻ BHYT.

Khi không nằm trong danh mục thuốc được BHYT chi trả, người bệnh khó có thể tiếp cận được các loại thuốc mới này tại các cơ sở khám chữa bệnh công. Nếu muốn sử dụng các loại thuốc mới, người bệnh phải tự chi trả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn