MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân vùng cao Điện Biên mua thuốc diệt cỏ tại các phiên chợ. Ảnh: TC

Thuốc diệt cỏ và hệ lụy ở vùng cao Điện Biên

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 17/05/2022 07:40

Từ nhiều năm qua, hầu hết nông dân vùng cao đã sử dụng thuốc diệt cỏ trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc sử dụng vô tội vạ thuốc ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc lại đang trở thành vấn đề đáng báo động.

Sử dụng phổ biến tại nhiều nơi

Tình trạng sử dụng các loại thuốc nằm ngoài danh mục cho phép, các loại thuốc không rõ nguồn gốc có các thành phần hóa học vô cùng độc hại đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương vùng cao.

Bên cạnh đó, đa số người dân sử dụng, pha chế các loại thuốc bằng cảm quan và kinh nghiệm, không theo hướng dẫn có thể để lại nhiều hệ lụy to lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người.

Qua khảo sát ở một số địa phương như huyện Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Mường Ảng, Tuần Giáo, phóng viên đã tận mắt chứng kiến nhiều trường hợp sử dụng thuốc diệt cỏ không rõ nguồn gốc được mua ở chợ và một số nguồn mà không phải mua tại các cơ sở chính thống được phép kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.

Tình trạng này tại các địa bàn vùng cao diễn ra khá phổ biến bởi hầu hết diện tích nông nghiệp là núi đá, khó khăn trong việc chăm bón, làm cỏ. Đó là lý do người nông dân ở đây coi thuốc diệt cỏ như một “giải pháp cứu cánh” trong sản xuất nông nghiệp vì giảm được rất nhiều công chăm sóc.

Có thể thấy, thuốc diệt cỏ được bày bán la liệt trong các phiên chợ vùng cao, đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Thuốc được đóng sẵn trong các can nhựa, lọ nhựa từ nhỏ đến lớn, thậm chí có cả can 5 lít… Cùng với đó là các loại bình phun và dụng cụ đi kèm.

Khi được hỏi tại sao không mua thuốc được bày bán ở các cơ sở chính thống mà ngành nông nghiệp và cán bộ khuyến nông hướng dẫn thì nhiều người cho biết: “Thuốc bán ở chợ “tốt hơn” vì nó có tác dụng mạnh hơn và giá thành lại rẻ…”. Đó cũng là lý do có những gia đình mua cả vài can về tích trữ để dùng cho cả năm.

Theo các chuyên gia  về nông nghiệp thì thuốc diệt cỏ (loại đã bị đưa ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật) có một số thành phần cực độc song chỉ hấp thu vào cây trồng một tỉ lệ nhỏ, còn lại thấm vào đất, hòa tan vào nước ngầm.

Do vậy, việc sử dụng thuốc diệt cỏ tràn lan sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng, lượng tồn dư hoạt chất của thuốc ngấm vào đất, tan vào dòng nước, tích tụ trong động vật, thuỷ sinh và tiêu diệt vi sinh vật có ích, gây mất cân bằng sinh thái…

Nguy hiểm hơn, hiện nay hầu hết người dân vùng cao vẫn đang phải lấy nước sinh hoạt từ các khe núi, sông suối và các mạch nước ngầm không qua xử lý.

Cơ quan chức năng địa phương nói gì?

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tuần Giáo cho biết, hiện nay theo quy định thì các loại thuốc bảo vệ thực vật nói chung và thuốc diệt cỏ nói riêng có các thành phần hóa chất độc hại đã được đưa ra khỏi danh mục và bị cấm sản xuất, lưu hành. Các loại thuốc được phép sử dụng chủ yếu thiên về thành phần hữu cơ, ít độc hại.

“Tuy nhiên qua kiểm tra thực tế thì vẫn có tình trạng người dân sử dụng các loại thuốc bị cấm do họ mua bán chui từ các nguồn không chính thống. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân. Còn việc kiểm tra, xử lý cần phải có các lực lượng liên ngành vào cuộc…” - Bà Nga nói.

Ông Hoàng Mạnh Hùng - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mường Ảng - cho biết: “Nếu phát hiện các cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật bán thuốc ngoài danh mục thì chúng tôi sẽ lập biên bản và thông báo cho các cơ quan chức năng phối hợp xử lý. Tuy nhiên trong năm 2021-2022 chưa phát hiện trường hợp nào”.

Về thực trạng nhiều người dân, đặc biệt là người dân vùng cao vẫn sử dụng thuốc trừ cỏ đã bị cấm, ông Hoàng Mạnh Hùng cũng thừa nhận là có và khẳng định: “Việc sử dụng các loại thuốc trừ cỏ không nằm trong danh mục ảnh hưởng rất lớn đến môi trường cũng như sức khỏe người dân. Tuy nhiên, trách nhiệm điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân buôn bán trái phép loại thuốc này thuộc cơ quan công an, quản lý thị trường và các đơn vị liên quan khác…”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn