MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cá sặc bổi Cà Mau dù có thương hiệu nhưng chưa thật sự phát huy hiệu quả. Mật ong U Minh Hạ vàng thau lẫn lộn. Ảnh: Nhật Hồ

Thương hiệu nông sản nhiều, hiệu quả chưa cao

NHẬT HỒ LDO | 13/10/2018 08:00
Hàng loạt những mặt hàng nông sản, thực phẩm tại Cà Mau, Bạc Liêu đã được xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, sau khi xây dựng thương hiệu xong hầu hết chưa phát huy hiệu quả từ việc có thương hiệu này.

Muối, mắm, cá, cua… đua nhau vào thương hiệu

Sản vật tại vùng đất Bạc Liêu, Cà Mau - nơi mà trước kia là tỉnh chung Minh Hải- nhiều vô kể. Từ mắm, muối, cá, cua, tôm…cho đến mật ong rừng tràm U Minh Hạ ít nhiều được giới sành điệu Sài Gòn xưa biết đến.

Hiện tại hàng loạt những mặt hàng được gọi là sản vật của xứ sở này đã được công nhận thương hiệu: Muối Bạc Liêu, gạo Một bụi đỏ Vĩnh Lợi (Bạc Liêu);  khô cá bổi U Minh, mật ong rừng tràm U Minh Hạ, bồn bồn Cái Nước, cua Năm Căn, tôm khô Rạch Gốc, mắm lóc Thới Bình…

Mắm tôm, bánh phồng tôm, mắm cá sơn, tôm chà bông, cua gạch son muối… tất cả những mặt hàng này đều đã có chỗ đứng trên thị trường, song, việc xây dựng thương hiệu và phát huy hiệu quả của thương hiệu gần như chưa được như ý.

Chủ cơ sở sản xuất bánh phồng tôm Kim Tiền (ấp Ông Định, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) Lê Ngọc Thạnh, cho biết: “Cơ sở đã mở được hơn 7 năm, cũng đã chủ động đăng ký kinh doanh, in ấn bao bì để xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, bánh phồng tôm hiện nay vẫn là mặt hàng chưa được đăng ký thương hiệu chung nên đầu ra chủ yếu là các mối làm ăn quen biết”.

Trên thực tế, các mặt hàng nông sản, đặc sản chủ lực luôn là ưu tiên phát triển của tất cả các địa phương. Chẳng thế mà đi đến đâu người ta cũng mong muốn tìm kiếm và thử cho kỳ được những thương hiệu đã trở thành cái riêng, cái độc đáo của một vùng đất. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế thuần tuý, mà còn mamg yếu tố văn hóa.

Chưa phát huy hết thương hiệu

Cua Năm Căn (Cà Mau) đã có thương hiệu, nổi tiếng cả nước. Tuy nhiên, khi du khách đến Cà Mau muốn tìm kiếm địa chỉ mua cua về ăn thì công cụ tìm kiếm chỉ dẫn hàng loạt địa chỉ tại… Thành phố  HCM!.

Tương tự, các mặt hàng mật ong rừng tràm U Minh hạ cũng vậy. Nhiều người bán dùng mạng xã hội để quảng bá thương hiệu mật ong. Điều này tốt, nhưng khiến cho khách hàng không biết đâu là mật ong thật, đâu là mật ong giả.

Đối với cây bồn bồn ở ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước tình trạng cũng tương tự.

Chủ tịch HĐND xã Tân Hưng Đông Bùi Hữu Phước cho biết: “Cây bồn bồn chỉ thực sự tập trung ở một đoạn thuộc ấp Đông Hưng với gần 200 ha. Tới nay cũng chỉ mới có vài hộ đăng ký thương hiệu, gắn nhãn mác bao bì, còn lại vẫn là bán theo kiểu tự phát”. Ngay tại nơi được coi là “thủ phủ” của cây bồn bồn mà tình hình còn như vậy thì khó trách sao cây bồn bồn và những sản phẩm từ sản vật này có cơ hội vươn xa.

Tôm khô, cá sặc, bồn bồn, mật ong, ba khía…gần như đã trở thành đặc sản, dù vậy nó vẫn chưa trở thành “hàng lưu niệm” cho du khách khi đến Cà Mau.

Giám đốc Sở VHTTDL Cà Mau Trần Hiếu Hùng nhận định: “Cà Mau có rất nhiều lợi thế về xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch. Tỉnh có nhiều mặt hàng nông sản mang nét đặc trưng. Đây cũng là một nội dung chiến lược của ngành du lịch trong hiện tại và định hướng lâu dài của Cà Mau.

Theo ông Hùng, chỉ khi nào sử dụng, khai thác hiệu quả các nhãn hiệu, thương hiệu đặc trưng của Cà Mau thì người nông dân mới được hưởng lợi từ du lịch và nâng cao mức sống.

Từ những sản vật quen thuộc đến mặt hàng du lịch - thương mại là một chặng đường không hề dễ dàng. Đừng trách nông dân có thói quen sinh hoạt nhỏ lẻ, tự phát, manh mún…đã đến lúc các ngàng cần vào cuộc để nâng cao chuỗi sản phẩm là sản vật của vùng đất này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn