MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Tuấn Anh

Tiềm năng lớn để phát hành thẻ tín dụng nội địa

Đức Mạnh (thực hiện) LDO | 21/05/2024 07:51

Hiện nay, Việt Nam có hơn 900.000 thẻ tín dụng nội địa với quy mô dân số 100 triệu dân. Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước - đánh giá đây là một sản phẩm tiềm năng, góp phần vào phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Thưa ông, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tiếp tục đạt được kết quả như thế nào trong thời gian qua?

- Trong thời gian qua, NHNN đã nghiên cứu ban hành, trình ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy TTKDTM và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán như: NHNN trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15.5.2024 về hoạt động TTKDTM; Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Nghị định mới về TTKDTM...

NHNN tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các Đề án, Chương trình, Kế hoạch, chính sách nhằm thúc đẩy TTKDTM. Vận hành hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử hoạt động thống suốt, an toàn, ổn định. Chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng.

Hoạt động TTKDTM trong quý I/2024 so với cùng kỳ năm 2023 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 39% về số lượng và 20,6% về giá trị.​ Giao dịch TTKDTM tăng 56,6% về số lượng và 31,4% về giá trị; qua kênh internet tăng 48,8% về số lượng và 25,7% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 58,7% về số lượng và 33,1% về giá trị.

Định hướng, giải pháp thúc đẩy TTKDTM trong thời gian tới của NHNN như thế nào, thưa ông?

- Thời gian tới, NHNN sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch triển khai Đề án TTKDTM, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhóm giải pháp sau. Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt. Tiếp tục đẩy mạnh TTKDTM đối với dịch vụ công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả an sinh xã hội.

Tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng; đặc biệt là tổ chức triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN đạt kết quả tốt. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng.

Trong bối cảnh giao dịch điện tử đã phổ cập, TTKDTM tăng trưởng mạnh về số lượng giao dịch, thẻ tín dụng nội địa nổi lên với giá trị tiềm năng tương đối lớn. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Hiện nay, chúng ta có hơn 900.000 thẻ tín dụng nội địa với quy mô dân số 100 triệu dân. Đây là tiềm năng lớn để các tổ chức tín dụng có thể khai thác, đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa. Ngoài ra, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập người dân ngày càng tăng trong xu hướng thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số ngày càng thịnh hành thì thị trường thẻ tín dụng nội địa sẽ còn nhiều tiềm năng phát triển nữa.

Để tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa thị trường thẻ tín dụng nội địa, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước, các thành viên thị trường cần triển khai một số giải pháp sau. NHNN tiếp tục hoàn thiện và triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, quy định về TTKDTM, hoạt động thẻ ngân hàng nhằm thúc đẩy hoạt động thanh toán thẻ nói chung, dịch vụ thẻ tín dụng nội địa nói riêng.

Tổ chức tín dụng cần tiếp tục phát triển các sản phẩm, dịch vụ thẻ tín dụng nội địa hiện đại, tiện ích, đảm bảo an toàn, bảo mật, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cần phối hợp với các ngân hàng, công ty tài chính nghiên cứu, xây dựng cơ chế chia sẻ phí hợp lý để hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển bền vững thị trường thẻ tín dụng nội địa; chủ động xây dựng công cụ phát hiện, phòng ngừa gian lận thanh toán.

NHNN, các thành viên thị trường tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính. Trong đó có phương tiện về thẻ tín dụng nội địa, tập trung việc cung cấp đầy đủ thông tin, lợi ích, tính năng vượt trội, kỹ năng sử dụng, đảm bảo an toàn, bảo mật trong quá trình sử dụng.

- Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Nhằm mục tiêu đưa ra các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó bao gồm phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện, ngày 21.5 tại Hà Nội, Báo Lao Động phối hợp với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức Hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt”. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng tham dự và điều hành hội thảo. Cùng dự có đại diện đến từ Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các ngân hàng thương mại, chuyên gia, hiệp hội và lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí.

Hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt” sẽ được truyền hình trực tiếp lúc 14h trên Lao Động điện tử (www.laodong.vn) và Fanpage của Báo Lao Động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn