MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách hành hương lên Yên Tử. Ảnh: Nguyễn Hùng

Tiền công đức "khủng" tại Yên Tử: Ban quản lý chỉ nhận được 4%

Nguyễn Hùng LDO | 03/03/2019 10:38

Đến nay, sau một năm thu phí tham quan Yên Tử  (từ 1.1.2018), với mức từ 20.000 – 40.000 đồng/người/lượt, vẫn còn có những ý kiến trái chiều về vấn đề này. Trong đó, không ít người đặt câu hỏi: Đã có tiền công đức, sao lại thu phí tham quan?

Du khách ngắm mây trên đỉnh thiêng Yên Tử. Ảnh: Nguyễn Hùng

Trả lời báo Lao Động vấn đề này, ông Phạm Tuấn Đạt – Phó Chủ tịch UBND TP.Uông Bí – cho biết, tiền công đức do phía nhà chùa quản lý và sử dụng, mỗi năm chỉ trích lại 4% cho Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử (BQL Yên Tử). Cụ thể, năm 2018, tiền công đức khoảng 16,5 tỉ đồng, BQL Yên Tử nhận 660 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ông Đạt, đây mới chỉ là tiền ở trong các hòm công đức, còn tiền giọt dầu (trên các ban thờ) thì phía nhà chùa tự kiểm đếm, quản lý và sử dụng. Ước tính, tiền giọt dầu còn lớn hơn tiền trong hòm công đức, bởi ít khách hơn như đền Cửa Ông, TP.Cẩm Phả nhưng mỗi năm tiền công đức (cả trong hòm công đức và giọt dầu) đều đạt trên 40 tỉ đồng; chưa kể các khoản do các DN tài trợ.

Đường Tùng Yên Tử. Rừng Xích Tùng cổ - 700 tuổi trên Yên Tử đang chết dần do sâu bệnh, thời tiết tấn công, nhưng chưa bố trí được ngân sách để cứu chữa, trong khi kêu gọi xã hóa thì thất bại. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo thống kê của UBND TP.Uông Bí, tổng số tiền thu được từ các hòm công đức từ 2007 – 2018 là trên 258 tỉ đồng. Lũy kế 4% mà phía nhà chùa trích lại cho BQL Yên Tử từ 2007 đến nay là 10,33 tỉ đồng. Trong khi đó, theo ông Đạt, bảo vệ, trùng tu di tích; bảo vệ, chăm sóc 2.700ha rừng; đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh, phục vụ 1,5 triệu du khách mỗi năm về Yên Tử và nuôi bộ máy BQL Yên Tử (khoảng 70 người), mỗi năm Uông Bí chi không dưới 10 tỉ đồng từ nguồn ngân sách. Chưa kể, ngân sách còn phải bỏ ra nhiều khoản tiền lớn để tổ chức các lễ hội, xây dựng chùa, trùng tu di tích, nâng cấp, mở các tuyến đường hành hương... Theo BQL Yên Tử, khá nhiều chùa trên danh sơn Yên Tử được xây dựng bằng ngân sách nhà nước, trong đó có: chùa Trình, chùa Suối tắm, chùa Cẩm Thực chùa Giải Oan, chùa Hoa Yên…

Hàng chục km đường hành hương lên Yên Tử đều được đầu tư xây dựng, tu sửa...bằng tiền ngân sách. Ảnh: Nguyễn Hùng

Năm 2018, tổng số thu phí tham quan Yên Tử đạt trên 40 tỉ đồng. Trong đó,  khoảng 20% (8 tỉ đồng) được trích cho BQL Yên Tử để chi trả lương cho trên 70 cán bộ, nhân viên và thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của ban. Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Dũng – Trưởng BQL Yên Tử – trong 8 tỉ trên thì mất khoảng 1,5 tỉ đồng để mua bảo hiểm cho du khách, tăng ni, phật tử về Yên Tử và in vé tham quan.

“Bao lâu nay, nếu không có tiền ngân sách thì ban hoạt động như thế nào, trong khi quá nhiều nhiệm vụ, từ đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy – chữa cháy, vệ sinh tới bảo vệ di tích, rừng quốc gia?. Từ 2018, ban phải tự chủ tài chính, không dùng ngân sách nhà nước nữa, vậy chỉ còn trông ở tiền thu phí tham quan” – ông Dũng giãi bày.

Ủng hộ việc thu phí, nhưng một số du khách cho rằng, cần phải sử dụng tiền thu phí phải đúng mục đích, hiệu quả và công khai, minh bạch.

Phó Chủ tịch UBND TP.Uông Bí cho biết, ngoài 8 tỉ dành cho BQL Yên Tử, TP.Uông Bí đã phân bổ hơn 29 tỉ đồng để: lắp đặt hệ thống chiếu sáng trên toàn tuyến đường Yên Tử; mở tuyến đường hành hương kết nối di tích Ngọa Vân với Yên Tử…; số tiền còn lại – gần 3 tỉ đồng vẫn được gửi ở kho bạc.

Dự kiến, năm 2019, ngoài trích 20% cho các hoạt động của BQL Yên Tử, số tiền còn lại sẽ được dành để cứu, chữa rừng Xích Tùng cổ trên Yên Tử và mở rộng đoạn đường còn lại từ QL18 vào Yên Tử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn