MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chùa Đồng, Yên Tử. Ảnh: Nguyễn Hùng

Tiền công đức ở Yên Tử được sử dụng như thế nào?

Nguyễn Hùng LDO | 09/03/2023 15:26

Quảng Ninh - Tiền do người dân, du khách, tăng ni, phật tử công đức khi về tham quan Yên Tử được cho là rất lớn. Tuy nhiên, chỉ có số tiền trong các hòm công đức do nhà chùa và một số đơn vị khác cùng giám sát mới được công khai; còn tiền giọt dầu (tiền người dân cúng ở ban thờ, tượng pháp…) do nhà chùa quản lý và sử dụng thì chưa bao giờ được công bố.

Sự thực tiền công đức

Theo đại diện UBND thành phố Uông Bí, đến nay vẫn nhiều người hiểu nhầm về tiền công đức và tiền giọt dầu nên vẫn nghĩ tất cả số tiền được người dân, tăng ni, phật tử cho vào hòm công đức hay đặt trên các ban thờ…ở Yên Tử đều được đưa về một mối.

Tuy nhiên, thực tế, thành phố chỉ biết được tổng số tiền trong hòm công đức, còn tiền giọt dầu bao nhiêu, chi tiêu như thế nào hoàn toàn thuộc thẩm quyền của phía nhà chùa.

Đối với tiền công đức, thành phố Uông Bí lập ra một hội đồng để quản lý, giám sát, gồm các đại diện của Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, Ban quản lý dự án tôn tạo chùa Yên Tử (nhà chùa), công an thành phố, phòng tài chính kế hoạch TP.Uông Bí. Tỉ lệ phân bổ số tiền công đức theo công thức: phía nhà chùa quản lý và sử dụng 96%; 4% còn lại thuộc về Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử.

Theo cơ quan chức năng của thành phố Uông Bí, những năm từ 2020, 2021 đến giữa năm 2022, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số tiền công đức không đáng là bao.

Theo thống kê, số tiền công đức tại Yên Tử năm cao nhất được trên 30 tỉ đồng. Với mức 4% trích lại, thì mỗi năm, Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cũng nhận được khoảng trên dưới 1 tỉ đồng.

Nơi tiếp nhận công đức tại chùa Hoa Yên, Yên Tử. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo thống kê của UBND thành phố Uông Bí, tổng số tiền thu được từ các hòm công đức từ 2007 – đến thời điểm thu phí tham quan Yên Tử (năm 2018) là trên 258 tỉ đồng. Lũy kế số tiền 4% mà phía nhà chùa trích lại cho Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử từ 2007 - 2018 là 10,33 tỉ đồng.

Trong đó, tổng số tiền công đức năm 2017 là 17,5 tỉ đồng và Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử nhận được 680 triệu đồng. Năm 2018, tiền công đức khoảng 16,5 tỉ đồng, và 660 triệu đồng được trích cho Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử.

Có minh bạch được tiền giọt dầu?

Được biết, trước năm 2007, việc quản lý, sử dụng tiền công đức ở Yên Tử là do thành phố Uông Bí trực tiếp thực hiện, nhưng sau đó thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh, đã phải bàn giao cho Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh (trụ trì chùa Yên Tử).

Trước thời điểm này, cùng với tiền công đức, ngân sách, tiền thu phí tham quan Yên Tử 5.000 đồng/người, Uông Bí đã đầu tư xây dựng một loạt các chùa trong hệ thống 10 chùa hiện nay của Yên Tử và hệ thống hạ tầng. Trong số này có các chùa: Suối Tắm, Cẩm Thực, Giải Oan, Hoa Yên... và đường hành hương liên chùa, mở rộng tuyến đường giao thông Yên Tử, đầu tư xây dựng Rừng quốc gia Yên Tử...

Khu vực tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên Yên Tử. Ảnh: Nguyễn Hùng 

Phải thừa nhận rằng, những công trình, công việc lớn trên Yên Tử do phía Ban Trị sự Giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh (trụ trì chùa Yên Tử) thực hiện từ nhiều năm qua trên Yên Tử nếu chỉ sử dụng tiền công đức thì không đủ. Các công trình tiêu biểu mà phía nhà chùa đã xây dựng từ năm 2007 đến nay gồm: chùa Đồng (80 tỉ đồng), tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông (120 tỉ đồng), chùa Một Mái (5 tỉ đồng), trùng tu hệ thống am tháp và mắt rồng (7 tỉ đồng), Nhà tổ chùa Giải Oan (4 tỉ đồng), trụ sở Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh (30 tỉ đồng) và cung Trúc lâm Yên Tử (khái toán 250 tỉ đồng). Tuy nhiên, số tiền giọt dầu trên Yên Tử mỗi năm là bao nhiêu, chi tiêu thế nào thì đến nay vẫn là điều bí ẩn.

Hiện, có nhiều ý kiến cho rằng, số tiền giọt dầu có thể lớn hơn nhiều tiền công đức, bởi mỗi chùa đều có rất nhiều hòm giọt dầu đặt tại các ban thờ để tăng ni, phật tử, du khách thập phương thành tâm cúng dường. Hơn nữa, nhiều người thường ủng hộ tiền bằng cách bỏ vào đĩa tại các ban thờ hơn là bỏ vào hòm công đức vì tiện lợi hơn. Quan sát tại các chùa ở bất cứ nơi đâu cũng đều thấy tỉ lệ người đặt tiền lễ cúng giường vào các ban thờ nhiều hơn bỏ vào hòm công đức.

Đã từng có những so sánh về số tiền người dân, du khách, tăng ni, phật tử công đức tại đền Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả với Yên Tử. Theo đó, cả tiền giọt dầu và tiền công đức tại đền Cửa Ông hàng năm dao động từ 25-30 tỉ đồng và được chuyển chung vào kho bạc để quản lý và sử dụng. 

Trong khi đó, trung bình mỗi năm đền Cửa Ông đón khoảng 500.000 lượt người, Yên Tử đón khoảng 1 triệu lượt khách.

Theo ông Phạm Thành Trung – Trưởng Ban quản lý đền Cửa Ông, tổng số tiền cả giọt dầu, công đức từ đầu năm 2023 đến nay là khoảng 13 tỉ đồng và khả năng cả năm vẫn duy trì ở mức như mọi năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn