MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân công đức tại chùa Hoa Yên. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Tiền công đức: Vẫn mãi là chuyện bí mật

NGUYỄN HÙNG - NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 08/03/2018 10:30

Việc thu phí tham quan Yên Tử (TP.Uông Bí, Quảng Ninh) từ đầu năm 2018 đã tạo nên những ý kiến trái chiều. Tại quần thể chùa Bái Đính - ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam hiện nay, việc quản lý và sử dụng tiền công đức cũng đang “nằm trong vòng bí mật”. Dư luận một lần nữa mong muốn phải công khai tiền cũng như việc sử dụng tiền công đức tại các đền, chùa…

Kỳ 1: Chưa công khai tiền dân đóng góp

Dư luận yêu cầu, TP.Uông Bí phải thường xuyên công bố số thu phí, minh bạch việc sử dụng và chỉ dùng tiền đó cho Yên Tử như đã cam kết.

Tỉ lệ 96 - 4

Theo UBND TP.Uông Bí, số tiền công đức (trong các hòm công đức) hằng năm đều được công khai nhưng tiền giọt dầu (tiền công đức trên các bàn thờ) chỉ có nhà chùa mới biết. Mỗi năm, nhà chùa trích 4% trong tổng số tiền công đức cho Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, còn tiền giọt dầu thì nhà chùa quản lý, sử dụng. Ngoài ra, nhà chùa hỗ trợ khoảng 400-500 triệu đồng cho công tác tổ chức lễ Khai hội xuân Yên Tử.

Trong khi đó, mỗi năm ngân sách Nhà nước bỏ ra ít nhất 10 tỉ đồng để nuôi bộ máy Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cũng như công tác bảo vệ an ninh trật tự, môi trường, tu sửa hạ tầng, đường hành hương 6km và chăm sóc, bảo vệ rừng trong phạm khi trên 3.000ha... Chưa kể, với những sửa chữa, tu bổ lớn trị giá hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng đều dùng tiền ngân sách.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tiền công đức tại Yên Tử năm cao nhất được trên 31 tỉ đồng và năm 2017 là 17,5 tỉ đồng. Với 4% trích lại, năm 2017, BQL di tích và rừng quốc gia Yên Tử nhận được 680 triệu đồng.

Quy trình giám sát và kiểm đếm tiền công đức về lý thuyết là rất chặt chẽ nhưng cùng lắm thì chỉ biết được tổng số tiền mà không biết số tiền đó được chi tiêu ra sao, còn tiền giọt dầu thì hoàn toàn là điều bí mật.

“Tỉnh ủy, UBND có các công văn giao Uông Bí và các ban, ngành liên quan giám sát chặt chẽ việc sử dụng các nguồn công đức trên. Tuy nhiên, việc sử dụng thế nào là của nhà chùa, các cơ quan chức năng cũng không được nhà chùa báo cáo nên không được biết các khoản chi tiêu” - ông Phạm Tuấn Đạt - Phó Chủ tịch UBND TP.Uông Bí cho biết.

Chúng tôi đã nhiều lần cố gắng liên hệ với lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh để xin thông tin chính thức về tổng số tiền công đức và giọt dầu hằng năm cũng như việc sử dụng ra sao nhưng đều bất thành. Những người trong cuộc cho rằng, số tiền giọt dầu có thể lớn hơn nhiều tiền công đức, bởi mỗi chùa đều có nhiều ban, bàn thờ để tăng ni, phật tử, du khách thành tâm. Hơn nữa, nhiều người thường ủng hộ tiền bằng cách bỏ vào đĩa tại các ban, bàn thờ hơn là bỏ vào hòm công đức.

So sánh số tiền công đức giữa đền Cửa Ông với Yên Tử cho thấy nhiều điều suy ngẫm. Theo ông Vũ Hồng Chương - Chủ tịch UBND phường Cửa Ông, kiêm Trưởng BQL đền Cửa Ông - năm 2017, tổng số tiền công đức của đền này là trên 35 tỉ đồng, chưa kể tiền công đức trực tiếp vào các công trình xây dựng khác. Ước tính, mỗi năm Cửa Ông đón khoảng 500.000 khách, trong khi Yên Tử đón khoảng 1,5 triệu khách. Tuy nhiên, theo ông Chương, Cửa Ông gộp và công khai cả tiền công đức trong hòm và tiền giọt dầu bởi đều là tiền công đức.

Du khách chen chân tại chùa Hoa Yên. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Sao không thể công khai tiền dân đóng góp?

Kể từ năm 2007, Uông Bí bàn giao việc quản lý, sử dụng tiền công đức cho Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh. Trước thời điểm này, cùng với tiền công đức, ngân sách, tiền thu phí tham quan Yên Tử 5.000 đồng/người, Uông Bí đã đầu tư xây dựng một loạt các chùa trong hệ thống 11 chùa hiện nay của Yên Tử và hệ thống hạ tầng. Trong số này có các chùa: Chùa Trình, Suối Tắm, Cẩm Thực, Giải Oan, Hoa Yên... và đường hành hương liên chùa, công trình dịch vụ bên cạnh mở rộng tuyến đường giao thông Yên Tử, đầu tư xây dựng Rừng quốc gia Yên Tử...

Trong khi đó, theo UBND TP.Uông Bí thì từ năm 2007 tới nay, nhà chùa đã sử dụng tiền công đức để đầu tư xây dựng chùa Đồng (80 tỉ đồng), tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông (120 tỉ đồng), chùa Một Mái (5 tỉ đồng), trùng tu hệ thống am tháp và mắt rồng (7 tỉ đồng), Nhà tổ chùa Giải Oan (4 tỉ đồng), trụ sở Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh (30 tỉ đồng) và đang xây dựng cung Trúc lâm Yên Tử (khái toán 250 tỉ đồng). Tuy nhiên, 2 công trình có vốn đầu tư lớn là chùa Đồng và tượng Phật hoàng phần lớn do các đơn vị, cá nhân công đức trực tiếp, theo hình thức chi trả theo tiến độ công trình chứ không phải tiền từ các hòm công đức, giọt dầu ở chùa.

Chỉ với mấy con số trên cho thấy, rõ ràng người ngoài không thể biết được những con số trên có đúng với thực chi, cũng như tổng tiền công đức thực tại hệ thống đền, chùa trên Yên Tử. Liệu tổng số tiền công đức tại các chùa trên Yên Tử từ 2007 đến nay có phải là trên 242 tỉ đồng như UBND TP.Uông Bí nắm được? Và tổng số tiền giọt dầu hơn 10 năm qua trên Yên Tử là bao nhiêu, đây chắc vẫn sẽ những câu trả lời không có lời giải đáp.

“Tôi cho rằng, tiền công đức dù ở hình thức nào cũng nên công khai cả con số và việc sử dụng để mọi người biết, qua đó còn giám sát và có những hỗ trợ, công đức tiếp theo” - bà Lê Thị Thu (Hạ Long, Quảng Ninh) chia sẻ.

Một câu hỏi nữa dư luận đặt ra là: Tiền giọt dầu hay tiền trong hòm công đức đều là tiền công đức nhưng sao lại phân biệt giữa hai nguồn tiền và chỉ công bố số tiền trong hòm? Trong khi đó, tại đền Cửa Ông, hai khoản tiền trên gộp thành một và sau khi kiểm đếm với sự giám sát của nhiều bên liên quan thì được gửi thẳng ra kho bạc.

Trở lại với việc thu phí tham quan Yên Tử. Ước tính, từ 1.1 đến 28.2, số tiền thu phí tham quan Yên Tử đạt trên 10,5 tỉ đồng. Dự kiến, 20% tổng số tiền thu phí sẽ dành nuôi bộ máy BQL di tích - rừng quốc gia Yên Tử và các khoản chi khác, 80% còn lại nộp ngân sách Nhà nước để bổ sung cho TP.Uông Bí thực hiện một số nhiệm vụ đầu tư và quản lý danh thắng Yên Tử.

Mời bạn đọc tham gia đóng góp ý kiến cho diễn đàn “Tiền công đức: Tại sao không được minh bạch?”. Bài viết, ý kiến xin gửi về địa chỉ mail: toasoan.laodong@gmail.com. Xin trân trọng cảm ơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn