MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc thông xe tuyến cao tốc Cam Lâm - Nha Trang góp phần rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng kinh tế trọng điểm. Ảnh: Hữu Long

Tiến độ 4 dự án cao tốc trọng điểm đi qua địa bàn Khánh Hòa

Hữu Long LDO | 18/02/2024 16:54

Khánh Hòa - Địa phương đang tập trung bàn giao mặt bằng, hoàn thành di dời hạ tầng kỹ thuật đối với các dự án cao tốc trên địa bàn.

Ngày 18.2, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đang phối hợp với chủ đầu tư, các cơ quan liên quan triển khai các dự án thành phần cao tốc trên địa bàn.

Hiện nay, dự án thành phần cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm đã cơ bản hoàn thành, thông tuyến kỹ thuật và đưa vào khai thác tạm vào ngày 19.5.2023.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đã hoàn thành nhưng vẫn phải đợi tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thiện các hạng mục mới có thể khớp nối, thu phí toàn tuyến.

Trong khi đó, Cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về việc thí điểm mô hình thiết kế hệ thống thu phí điện tử không dừng đối với hai dự án thành phần cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Hai tuyến cao tốc này sẽ thí điểm thu phí theo mô hình đầu vào ETC đa làn tự do (không có barie), đầu ra ETC đơn làn (có barie) và không có làn thu phí hỗn hợp.

Ngoài 4 tuyến cao tốc thành phần đang thi công ở Khánh Hòa, Tập đoàn Sơn Hải đã đề xuất xây dựng dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt với chiều dài khoảng 81,5km. Ảnh: Hữu Long

Liên quan đến dự án thành phần cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đến nay các địa phương đã bàn giao 100% mặt bằng, hoàn thành di dời hạ tầng kỹ thuật, dự kiến hoàn thành trong quý I/2024.

Đối với dự án thành phần cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang hiện cơ bản bàn giao xong mặt bằng để thi công và hoàn thành xây dựng 6 khu tái định cư. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng đang thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích đất rừng…

Riêng dự án thành phần cao tốc đoạn Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đã hoàn thành công tác đo đạc, kiểm kê, thực hiện chi trả bồi thường, bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, cả 2 địa phương Khánh Hòa và Đắk Lắk đã chấp thuận một số mỏ đất đắp, mỏ đá, mỏ cát, thống nhất hàng chục vị trí bãi đổ thải để phục vụ dự án.

Cuối năm 2023, trong cuộc làm việc giữa 2 địa phương, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đều chung thống nhất đề xuất chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt với quy mô đầu tư 1 lần hoàn chỉnh theo quy hoạch từ 22m đến 24,75m. Tổng mức đầu tư dự kiến là 19.743 tỉ đồng.

Nếu được thông qua, dự án sẽ đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, hợp đồng BOT có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tập đoàn Sơn Hải đề xuất 4 phương án tuyến, trong đó, phương án 1A (tuyến đi song song với Quốc lộ 27C) có nhiều ưu điểm, vì vậy đã kiến nghị hai tỉnh chọn phương án này.

Ưu điểm của phương án này là chiều dài xây dựng ngắn nhất, số lượng hầm và chiều dài hầm 1,5km/hầm; tổng mức đầu tư thấp nhất. Tuyến đi song song Quốc lộ 27C, thuận tiện trong việc kết nối với hệ thống giao thông hiện có của khu vực, có tác dụng hỗ trợ khi Quốc lộ 27C gặp sạt lở trong mùa mưa bão.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn