MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu vực đất tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng Vành đai 4 tại xã Văn Bình, huyện Thường Tín. Ảnh: Phạm Đông

Tiến độ giải phóng mặt bằng, chi trả phục vụ dự án Vành đai 4 của Hà Nội

PHẠM ĐÔNG LDO | 09/03/2023 11:45

Việc chi trả, đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ để thực hiện dự án đường Vành đai 4 đang được các địa phương tại Hà Nội triển khai nhiều đợt để đảm bảo tiến độ dự án.

Dự án đường Vành đai 4 đoạn qua Hà Nội dài 58,2km, đi qua 7 quận, huyện, cần di dời 11.682 ngôi mộ và diện tích đất rất lớn.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, đến ngày 7.3, thành phố đã di chuyển 5.307 ngôi mộ, đạt 48,83%; phê duyệt và thu hồi đất được 276,08/796,766 ha, đạt 34,65% cho công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4. Tổng số tiền đã phê duyệt trên địa bàn thành phố Hà Nội là 2.488,73 tỉ đồng.

Đối với việc triển khai thực hiện các dự án thành phần, đến nay, thành phố Hà Nội đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 1.1: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận thành phố Hà Nội, với tổng mức đầu tư khoảng 13.370 tỉ đồng và dự án thành phần 2.1: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội, tổng mức đầu tư khoảng 5.388 tỉ đồng theo hình thức đầu tư công, bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.

Tại huyện Thường Tín, trao đổi với Lao Động, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thường Tín Lê Tuấn Tú cho biết, tổng diện tích đất trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án là 134,5ha. Trong đó, tính đến ngày 8.3 tổng diện tích đất nông nghiệp đã kiểm kê là hơn 81ha, tổng số ngôi mộ đã kiểm kê là 1.846.

Cũng theo ông Tú, đến nay huyện đã giải ngân được 440 tỉ đồng, đạt hơn 37% tiến độ. Đến ngày 30.6, huyện Thường Tín sẽ giải phóng ít nhất 70% mặt bằng theo kế hoạch và trong năm 2023 bàn giao 100% bặt bằng cho dự án Vành đai 4.

Ông Tú cho biết, Chủ tịch UBND thành phố đã yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện thường xuyên, kịp thời báo cáo tiến độ công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền. Đặc biệt, phải thường xuyên báo cáo UBND thành phố trước 11h thứ sáu hàng tuần.

Khu quy tập nghĩa trang tại xã Văn Bình phục vụ dự án Vành đai 4. Ảnh: Phạm Đông

Tại huyện Hoài Đức, đến nay, việc chi trả, đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ để thực hiện dự án đường Vành đai 4, đã triển khai nhiều đợt.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh khẳng định, kế hoạch trong tháng 3.2023 huyện sẽ hoàn thành chi trả cho 1.085 hộ, diện tích 25,95ha, số tiền 373,3 tỉ đồng ở các xã: An Thượng, Đông La, Đức Thượng, Song Phương... Như vậy, tổng số tiền chi trả trước đó và số tiền chi trả trong tháng 3 này sẽ đạt hơn 893 tỉ đồng.

Cũng trong thời gian này, huyện Hoài Đức đang gấp rút thực hiện công tác niêm yết dự thảo của 1.260 hộ, diện tích 33.34ha với khoảng 350 tỉ đồng ở các xã: Đức Thượng, An Thượng, Yên Sở, Cát Quế, Tiền Yên, Đắc Sở, Song Phương. Sau khi được phê duyệt hồ sơ UBND huyện sẽ hoàn thành chi trả tiền.

Huyện Hoài Đức đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhất trí, chủ động trong việc di dời mộ chí, bàn giao đất thực hiện giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ cam kết.

Tại huyện Mê Linh, dự án đường Vành đai 4 đi qua địa bàn 5 xã với tổng diện tích thu hồi đất khoảng 141,5ha (dài khoảng 11,2km), liên quan đến 2.700 hộ dân; chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 3.000 tỉ đồng; có 370 ngôi mộ cần di chuyển.

Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, đến nay, huyện đã thực hiện di chuyển xong toàn bộ số mộ trong diện cần giải tỏa. Về diện tích đất nông nghiệp phải giải phóng mặt bằng là 120,3ha, huyện triển khai thành 4 đợt.

Đến nay, đã triển khai thực hiện xong 2 đợt, hiện còn 2 đợt, huyện đang tiếp tục triển khai theo kế hoạch và phấn đấu giải ngân và bàn giao mặt bằng xong trong tháng 6.2023 khoảng 118ha (đạt 83,6%).

Tại huyện Đan Phượng, tổng diện tích giải phóng mặt bằng dự án là 74,8ha, trong đó, phải thực hiện di dời 1.678 ngôi mộ. Huyện đang quyết tâm đến ngày 30.6.2023 phải thực hiện di chuyển 85% ngôi mộ đã được kiểm đếm. 

Vành đai 4 được đánh giá là "siêu dự án" với tổng mức đầu tư 85.813 tỉ đồng, chia thành 7 dự án thành phần gồm 3 dự án giải phóng mặt bằng, 3 dự án xây đường song hành và một dự án đầu tư xây dựng cầu cạn cao tốc theo phương thức đối tác công tư.

Tuy nhiên, dự án thành phần do Hưng Yên và Bắc Ninh thực hiện đang chậm và có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ khởi công dự án trong tháng 6.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn