MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều hạng mục ở Trung tâm dạy nghề huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi đang bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn. Ảnh: Ngọc Viên

Tiền hỗ trợ đào tạo nghề không giải ngân được thì trả, chi sai là chết

VIÊN NGUYỄN LDO | 28/01/2024 17:26

Quảng Ngãi - Chia sẻ những khó khăn khi Quảng Ngãi đang loay hoay trong việc giải ngân kinh phí từ ngân sách hỗ trợ đào tạo nghề, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, tiền hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, không giải ngân được thì trả, chi sai là… chết.

Được giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho 400 lao động trong 2 năm 2022, 2023 nhưng huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi không mở được lớp nào, đồng nghĩa với khoản ngân sách tiền tỉ không thể giải ngân. Nguyên nhân là do việc huy động lao động thuộc đối tượng tham gia học nghề, nhất là ở miền núi gặp rất nhiều khó khăn. Người lao động không có nhu cầu, hoặc từ chối tham gia vì mức hỗ trợ tiền ăn khi tham gia lớp đào tạo quá thấp, trong khi họ là lao động chính trong gia đình.

Ông Từ Thanh Kiều - Trưởng Phòng Lao động thương binh và Xã hội huyện Sơn Hà cho biết, trung tâm đào tạo nghề của huyện đã giải thể. Việc tìm kiếm học viên học nghề cũng gặp rất nhiều khó khăn. Hiện mức hỗ trợ cho học viên học nghề quá thấp, chỉ 30.000 đồng/ngày. Đào tạo nghề trong thời gian 3 tháng, nếu đi học, thì gia đình họ không biết xoay xở đâu ra tiền để duy trì cuộc sống.

Không có người học nghề, căn tin Trung tâm dạy nghề huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi đang bị bỏ hoang. Ảnh: Ngọc Viên

Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi, riêng dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia thì tổng kế hoạch vốn được giao cho tỉnh Quảng Ngãi trong 2 năm 2022, 2023 gần 130 tỉ đồng, nhưng địa phương mới chỉ giải ngân được khoảng 37%, phần còn lại phải chuyển nguồn sang 2024.

Năm 2024, Quảng Ngãi đề xuất kinh phí để thực hiện dự án 4 là 23,7 tỉ đồng nhưng Trung ương phân bổ tới gần 45 tỉ đồng, trong khi nguồn tiền trước đó chưa giải ngân xong. Riêng vốn cho Tiểu dự án 1 về phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng được phân bổ gần 28 tỉ đồng. Điều này khiến địa phương gặp tình cảnh "dở khóc dở cười" vì không thể tiêu hết tiền.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề của Quảng Ngãi không giải ngân được thì trả. Giải ngân đào tạo nghề ở miền núi gặp khó là thực trạng của nhiều tỉnh thành trên cả nước, chứ không riêng gì Quảng Ngãi. Nguyên nhân không "tiêu" được tiền là do người dân không chịu đi học. "Công tác giải ngân đào tạo nghề hiện tại chưa ổn, thiếu đồng bộ khiến các địa phương lúng túng. Hỏi Trung ương thì Trung ương bảo phải chờ. Tiêu sai là chết vì rủi ro rất cao" - ông Minh trải lòng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn