MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Giáo dục Nguyễn Thuỵ Anh

Tiến sĩ Thuỵ Anh: Ban cha mẹ học sinh phải là đồng minh của nhà trường

Nguyễn Hà - Phạm Dung LDO | 21/09/2017 20:00
"Trên thế giới, rất nhiều nước có Hội cha mẹ học sinh, họ đều là những đồng minh của nhà trường nhưng hướng về quyền lợi của đứa trẻ" - Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thuỵ Anh - Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con chia sẻ.

Ban cha mẹ học sinh không phải diễn đàn để phụ huynh kêu ca

Tiến sỹ giáo dục Thuỵ Anh cho rằng, ý kiến đề xuất về việc xoá bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ vì các hội đứng ra thu tiền quá tay, loay hoay không biết hoạt động là một điều bất cập. Không phải tất cả các hội phụ huynh của các lớp, trường... đều chỉ giới hạn công việc của mình ở đó. "Thế thì oan quá!".

"Tôi được biết, rất nhiều nước trên thế giới có Hội cha mẹ học sinh, thậm chí là "Hội cha mẹ học sinh và giáo viên". Họ đều là những đồng minh của nhà trường nhưng hướng về quyền lợi của đứa trẻ. Việc thu phí gây quỹ vẫn có nhưng dựa trên những đầu việc hợp lý và hoàn toàn độc lập so với các yêu cầu của nhà trường. Họ còn tổ chức các hoạt động gây quỹ để dành tiền vào các công việc thiết yếu như tổ chức ngày hội, dã ngoại, quà tặng... và chính những hoạt động gây quỹ lại là những sinh hoạt bổ ích, có ý nghĩa cho các bố mẹ, các con trong cộng đồng trường, lớp.

Ở Nga, Ban phụ huynh được quyền tham gia ý kiến với nhà trường về các phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục, nhưng không phải là "diễn đàn" để phụ huynh kêu ca, khiếu nại. Hội có các cuộc họp riêng để đưa ra những sáng kiến hoạt động hỗ trợ nhà trường, bổ sung hoạt động ngoại khoá cho con em và các hoạt động nâng cao kiến thức cho chính phụ huynh để hiểu biết tâm lý trẻ, thay đổi hành vi ứng xử với con cái. Có riêng những website hướng dẫn "hoạt động Hội phụ huynh có hiệu quả" - TS Thuỵ Anh dẫn chứng.

Vấn đề sâu xa không nằm ở câu hỏi có nên xoá bỏ Ban cha mẹ học sinh

Trên thực tế, nếu có được sự tương tác tốt giữa gia đình và nhà trường thông qua các nhân tố tích cực làm nên Ban/hội phụ huynh thì trẻ con được lợi, nhà trường cũng được lợi, bố mẹ lại yên tâm hơn. Vấn đề lo ngại sâu xa của chúng ta không nằm trong câu hỏi "Có nên tồn tại Ban/hội phụ huynh hay không?" mà là bản chất mối quan hệ giữa nhà trường/thày cô và phụ huynh. 

Bà Thuỵ Anh cho rằng, ở Việt Nam trường công có vẻ như bất bình đẳng trong phần lớn các trường hợp. Bố mẹ "sợ" nhà trường vì lo cho con, làm mọi cách đáp ứng yêu cầu của trường để mong con được học trong điều kiện tốt hơn và được đối xử tốt ở trường.

Và ngay cả việc "họp phụ huynh" cũng không phân chia được ranh giới giữa việc cô giáo chủ nhiệm họp với phụ huynh và việc Ban phụ huynh họp riêng với những hoạt động hoàn toàn độc lập. Những Ban phụ huynh, hội phụ huynh các trường tư thục có vẻ như có được sự bình đẳng nhiều hơn nên việc họ tham gia, hỗ trợ, cùng chung tay với nhà trường sẽ hiệu quả và đúng nghĩa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn